Phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến giữa Chính phủ và địa phương ngày 2/7, ông Trần Tuấn Anh nói rằng tuy tăng trưởng ngành công nghiệp quý II (8,4%) thấp hơn quý I (12,9%) nhưng tính chung, 6 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn ước đạt 10,5%, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng cũng nói rằng mức tăng này là cao nhất so kể từ năm 2014.
"Công nghiệp đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của 2 quý", Bộ trưởng nói.
Phân tích kỹ hơn từng cơ cấu của ngành công nghiệp, Bộ trưởng nói rằng công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng 12,7%. Tuy nhiên, khác với nhiều năm trước, ngành chế biến chế tạo năm nay ngoài đóng góp của nhóm ngành hàng chính như điện thoại thông minh, vi tính, điện tử còn ghi nhận một số phân ngành khác như dệt, kim loại, ngành chế biến khác...
"Sự tăng trưởng đều hơn giữa các phân ngành đã tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho phát triển chế biến chế tạo chứ không phụ thuộc vào riêng điện thoại thông minh, vi tính điện tử", Bộ trưởng nhận định.
Đối với khai khoáng, ngành này trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm 1,3%. Tuy nhiên, sự suy giảm này được Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết là nằm trong kế hoạch.
Ngành điện cũng có tăng trưởng tốt với mức tăng 10,4% trong nửa đầu năm. Việc này đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Nói thêm về tình hình xuất nhập khẩu, người đứng đầu ngành Công thương cho biết đến nay đã chứng kiến những phát triển tích cực. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 225,1 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ trước đó.
Tính đến nay, cán cân thương mại đang là xuất siêu khoảng 2,71 tỷ USD, bằng 2,37% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,94 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,65 tỷ USD.