Sáng 1-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu (ĐB) quan tâm trước Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương và nhiều ĐB khác đề cập đến trong phiên thảo luận ngày hôm qua 31-10, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng không chỉ mặt hàng thuốc lá là mặt hàng nóng mà hàng loạt các mặt hàng khác cũng tiếp tục là điểm nóng. Ngoài ra, không chỉ tại Long An, An Giang mà hàng loạt khu vực, địa phương khác tiếp tục là địa bàn nóng cho các hoạt động buôn lậu , gian lận thương mại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Nguyễn Nam
"Trên thực tế, thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cũng như chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, đã có hàng loạt biện pháp khắc phục tồn tại và qua rất nhiều kỳ tổng kết, sơ kết đã có đánh giá"- ông Tuấn Anh cho biết.
Tư lệnh ngành công thương cũng thừa nhận khung khổ pháp luật và các cơ chế chính sách của chúng ta chưa đủ mạnh, đặc biệt là trong các điều luật của các bộ luật cũng như các văn bản hướng dẫn để chế tài các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. "Điều này dẫn đến hiện tượng nhờn pháp luật. Vì mục đích và lợi nhuận cao trong hoạt động buôn lậu nên các đối tượng buôn lậu tiếp tục cấu kết và tổ chức buôn lậu tinh vi và có hệ thống, không còn giới hạn trong phạm vi địa lý của một địa phương"- ông nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ ra công tác phối hợp lực lượng liên ngành, bao gồm từ công an cho đến biên phòng và hải quan, quản lý thị trường, trong nhiều trường hợp chưa chặt chẽ và thường xuyên, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của lực lượng liên ngành còn yếu. "Ví dụ như ĐB Sỹ Cương đã nêu nhiều thời gian không thấy bóng dáng lực lượng chuyên ngành, liên ngành trong phòng chống buôn lậu"- Bộ trưởng nhắc lại.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là việc xem xét mức độ hình sự cho buôn lậu từ 1.500 điếu thuốc lá. Ông Tuấn Anh cho hay các kỳ họp trước đây còn chưa có điều khoản xem xét xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá điếu. Tại kỳ họp vừa rồi (kỳ họp thứ 3), Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Hình sự, trong đó quy định xử hình sự tội buôn lậu từ 1.500 điếu thuốc lá trở lên, đây là cơ sở rất quan trọng.
Ngoài ra, cần có quan điểm đồng bộ, thống nhất để xử lý, đồng thời có chế tài. Ví dụ, trong câu chuyện tái xuất thuốc lá lậu, lợi ích mang lại không bao nhiêu nhưng nguy cơ rất lớn.
Cùng đó, do năng lực chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường yếu kém, tồn tại qua nhiều giai đoạn nên đề nghị cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc, nâng cao phẩm chất, cũng như yêu cầu của cán bộ quản lý thị trường trong thực hiện chống gian lận.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương giơ cao túi lớn đựng thuốc lá khi phát biểu trước QH ngày 31-10 - Ảnh: Soha
Trước đó, ngày 31-10, phản ánh tình trạng nhức nhối trong buôn lậu thuốc lá, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đem vào hội trường một túi lớn đựng thuốc lá. Ông giơ cao túi thuốc lá và cho biết đã dễ dàng mua được mà không gặp bất cứ trở ngại nào sau 3 ngày thị sát thuốc lá lậu ở Long An.
"Tôi chỉ mong một lần được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát trong 3 ngày nhưng đáng tiếc là không gặp. Cần tăng cường chống tiêu cực vì buôn lậu thuốc lá sẽ còn gia tăng, đặc biệt là khi sắp đến Tết"- ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.
Năm 2020, giải quyết dứt điểm 12 dự án yếu kém
Về 12 dự án yếu kém của ngành công thương, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng nội dung xử lý đối với các dự án là rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ trưởng cho rằng cần phải đánh giá đồng bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc và tìm cách giải quyết.
Trong giai đoạn 2016-2017, Chính phủ đã thành lập các đoàn để kiểm tra, đánh giá từng dự án cụ thể, ban hành chính sách cụ thể với từng dự án. Ngoài ra, sẽ giải quyết triệt để vi phạm tổ chức và cá nhân. Bộ Công Thương cũng sẽ rút kinh nghiệm và là bài học cho các dự án khác.
Bộ trưởng cho biết trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị trong việc đánh giá, rà soát và biện pháp cụ thể từng dự án. Đến năm 2018, Bộ Công Thương sẽ giải quyết cơ bản các dự án. Đến năm 2020 giải quyết dứt điểm.
Ông Tuấn Anh cũng cho hay trong 12 dự án, có 4 dự án phân bón đã khôi phục và từng bước tiếp cận thị trường; một số dự án lĩnh vực xăng sinh học cũng đang khởi động lại và năm 2018 sẽ sản xuất thương mại…