Đa phần các đại biểu Quốc hội không đồng tình
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã nêu rõ tính nhân văn của quy định đưa ngày 27/7 thành ngày nghỉ lễ chính thức. Tuy nhiên, trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong đó phần lớn là không đồng tình, Bộ trưởng Dung cho biết Chính phủ đã chính thức xin rút nội dung này khỏi dự thảo.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự không đồng tình trong việc chọn ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ. Ngay trước giờ giải lao, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết 15 trong số 16 đại biểu phát biểu trước đó đều đã bày tỏ sự không đồng tình với quy định này. Sau phiên giải lao, số đại biểu bày tỏ sự không đồng tình tiếp tục tăng lên.
ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết ông thấy rất đau lòng khi nghe đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm. "Bởi vì chúng ta đều biết, ngày này rất thiêng liêng, ngày uống nước nhớ nguồn, chúng ta làm mọi việc để đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sỹ cho nên thường nhắc nhau ‘biến đau thương thành hành động có ý nghĩa’. Tại sao chúng ta lại phải nghỉ tự do, vui chơi, giải trí, thậm chí là sung sướng. Tôi nghĩ như vậy là không nên", đại biểu Kim nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí của Hà Nội thì cho rằng lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, ngày tri ân, nghe qua thấy rất hay nhưng nghĩ lại thì không ổn. "Ngày 27/7 đã in sâu ký ức, trí nhớ của người dân Việt. Nếu đổi tên ngày tri ân chung chung, không tập trung vào đối tượng cụ thể thì sẽ ảnh hưởng đến việc tri ân thiết thực đối với các thương binh, liệt sĩ", ông Trí nói.
Cùng với việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Dung, thay mặt ban soạn thảo, đề cập tới việc rút điều khoản này khỏi Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội không tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong những phiên làm việc tiếp theo và tập trung vào những điểm còn khác nhau trong dự thảo luật.
Tăng tuổi nghỉ hưu và làm thêm giờ
Trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng dành thời gian giải trình về những điểm khác mà đại biểu Quốc hội đã thảo luận xung quanh Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo ông Dung, làm thêm giờ là nhu cầu của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng trong một số ngành nghề ở những thời điểm nhất định. Không tăng thêm giờ làm thêm trong khu vực công.
"97% doanh nghiệp của Việt Nam là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì thế, cần làm sao để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Dung cho biết.
Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Dung khẳng định đây là xu hướng tất yếu và là nhu cầu thực sự cần thiết. "Chúng tôi rất mừng vì đa phần các đại biểu phát biểu đã đồng thuận với phương án này. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ dàng và các nước cũng gặp nhiều khó khăn", Bộ trưởng Dung cho hay.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu phải được tiến hành sớm khi còn thặng du lao động. Việc tăng tuổi phải diễn ra chậm. Thực tế cho thấy người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia và dân tộc lâu dài, các nước đều phải đưa ra quyết định này. Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có 3 đối tượng. Thứ nhất là người lao động bình thường. Thứ hai, đối với lao động nặng nhọc, suy giảm sức khỏe… sẽ được nghỉ hưu sớm. Nhóm cuối cùng là nghỉ hưu muộn, được quy định cụ thể là 17 thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, các nữ thứ trưởng và các nhà khoa học, quản lý.
"Từ 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển từ dân số vàng sang đang già. Mỗi năm, chúng ta chỉ có thêm 400.000 lao động bổ sung vào lực lượng lao động. Thời gian tới, chắc chắn sẽ thiếu lao động", Bộ trưởng Dung nêu thực trạng và cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đang ở mức 2,2%, nằm trong nhóm 8 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới và sức khỏe đứng thứ 40/183 quốc gia.