Sáng nay Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc. Chuyến đi lần này còn có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCK ông Trần Văn Dũng, ông Đặng Quyết Tiến Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đại diện các quỹ đầu tư lớn như ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital, ông Don Lam Chủ tịch Vina Capital, bà Lê Thị Lệ Hằng Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSIAM, đại diện các quỹ như Eastspring Investments, Shinhan bank Vietnam, An Phat Holding.
Chuyến đi lần này của đoàn Việt Nam nhằm tiếp cận và tìm cơ hội hợp tác, thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hội nghị này cũng chia sẻ các giải pháp thúc đẩy đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị tạo cơ hội đối thoại giữa các bên doanh nghiệp hai nước về những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị nhằm hỗ trợ nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia đầu tư tích cực hơn nữa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác tiềm năng từ Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam và tin tưởng Hội nghị sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển.
Sau hơn 25 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang ở vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Tính đến ngày 20/3/2018, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 59 tỷ USD và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại Hàn Quốc. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 61,5 tỷ đô la, tăng trưởng 41,3%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 14,8 tỷ đô la, tăng 30% và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, xu hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, nhiều nhất trong số các nước ASEAN. Có nhiều doanh nghiệp Hàn quan tâm đến M&A với Việt Nam. Thông qua M&A hai bên có thể hợp tác chuyển giao công nghệ, đầu tư liên doanh, đặc biệt khi Hàn Quốc hợp tác công nghệ với Việt Nam thì hai bên có thể thâm nhập vào thị trường các nước khác. Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn cũng có triển vọng rất lớn.
Giới thiệu với các nhà đầu tư Hàn Quốc về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh đến con số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt 400 tỷ USD. Với quy mô dân số đang tiệm cận 100 triệu dân, trong đó 60% có độ tuổi dưới 35, Việt Nam có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh. Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển.
Bộ trưởng tin tưởng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2018 - 2020 ở mức 6,7 - 7%/năm, ổn định lãi suất, tỷ giá, lạm phát, nợ công và các yếu tố vĩ mô khác. Qua đó, tiếp tục giữ vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN và tham gia sâu hơn, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nới lỏng quy định về giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cơ hội dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là không hề nhỏ. Bộ trưởng cho rằng, đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hàn Quốc và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung: (i) quyết tâm thực hiện cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch, đặc biệt là cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn; (ii) áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại và công bố thông tin công khai, minh bạch; (iii) bảo đảm hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường; (iv) tăng cường giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; (v) giảm mạnh tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các DNNN cổ phần hóa; (vi) cho phép dành tỷ lệ lớn để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; (vii) yêu cầu các DNNN cổ phần hóa niêm yết trên TTCK.
Đặc biệt trong năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 64 doanh nghiệp lớn và thực hiện thoái vốn tại 189 doanh nghiệp mà nhà nước đang nắm giữ cổ phần. Do đó, Chính phủ Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tham gia của 4.846 nhà đầu tư Hàn Quốc. Tại Việt Nam hiện có 05 công ty chứng khoán có vốn đầu tư Hàn Quốc gồm Công ty chứng khoán Korea Investment & Securities, Công ty chứng khoán Mirae Asset Daewoo, Công ty chứng khoán Shinhan Investment, Công ty chứng khoán KB Securities và Công ty chứng khoán Woori. Các công ty chứng khoán này đã và đang cùng các ngân hàng thương mại và cùng đại diện công ty quản lý quỹ của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc bắc cầu cho dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam thực hiện đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm, bất kể theo hình thức doanh nghiệp nào, nguồn vốn đầu tư nào đều hoạt động và bảo đảm tuân thủ Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản luật liên quan. Bảo hiểm là một trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên
mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bảo hiểm hiện có 63 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (8 doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 01 chi nhánh nước ngoài), 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (14 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và 04 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2017 đạt khoảng 5,5 tỷ đô la (tăng 23% so với năm 2016), trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng 12%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng 31%. Như đã đề cập ở trên, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản bao gồm công trình xây dựng, tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực bảo hiểm là lĩnh vực Việt Nam ưu tiên mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao các đối tác Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày hôm nay nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, cùng tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa 2 nước lên hơn 100 tỷ đô la vào năm 2020 và Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia hàng đầu về đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.