Tại phiên họp bàn Dự thảo Nghị định Quản lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86), diễn ra sáng 8/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 phải làm thật chặt chẽ, đặc biệt là những quy định liên quan tới quản lý Uber, Grab.
Theo ông Thể, Nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ áp dụng 3-4 năm mới sửa đổi. Do vậy, nếu xây dựng nghị định không tốt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. “Nhất quyết không ký trình Thủ tướng nếu việc xây dựng dự thảo nghị định không đảm bảo”, ông Thể nói.
Ông Thể yêu cầu các bộ phận xây dựng dự thảo lần này phải quản lý được Uber, Grab và các hình thức vận tải hành khách tương tự, không chấp nhận những quy định "lập lờ, thiếu rõ ràng".
“Hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện. Thậm chí Grab cũng gọi mình là Grab taix, vậy tại sao lại không phải là taxi. Nếu Uber, Grab là kinh doanh công nghệ cao thì Bộ GTVT không quản lý, mà phải chuyển cho Bộ Công Thương quản lý. Nếu lần sửa đổi này không quản lý được Uber, Grab như taxi truyền thống thì không ban hành”, ông Thể nói.
Đồng thời, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu tổ soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe, hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra vấn đề (như cướp giật)… “Xe Uber, Grab hoạt động vô tội vạ, với hàng chục nghìn phương tiện, mới vài năm đã số lượng đông hơn cả taxi truyền thống, thậm chí có cả tội phạm trà trộn làm lái xe. Còn nếu Uber, Grab hoạt động nhưng khi có chuyện lại từ chối trách nhiệm, nói không biết thì không chấp nhận được”, ông Thể yêu cầu.
Cùng đó, dự thảo lần này phải đảm bảo được yêu cầu về an toàn cho người dân sử dụng Uber, Grab… Ngoài ra, hoạt động Uber, Grab cũng phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế cho nhà nước.
“Sử dụng công nghệ để hoạt động dịch vụ tôi rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, trách nhiệm các bên, bảo vệ người sử dụng, nộp thuế đầy đủ… Còn nếu Uber, Grab không đáp ứng được yêu cầu thì rời khỏi Việt Nam. Nếu đạt được điều kiện trên mới cho Uber, Grab hoạt động”, ông Thể khẳng định.
Người đứng đầu ngành giao thông cho hay, sau khi ban hành Nghi định mới thay thế Nghị định 86 thì kết thúc thí điểm theo Đề án 24.
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86, Bộ GTVT đề xuất xếp vận tải Uber, Grab như taxi truyền thống. Đặc biệt, các hãng taxi ứng dụng công nghệ phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam, đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam… Nếu các hãng không đáp ứng được theo điều kiện kinh doanh vận tải thì không được phép hoạt động.
Ngoài ra, Dự thảo nghị định mới cũng đề xuất các biện pháp quản lý xe hợp đồng hoạt động như xe khách chạy tuyến cố định. Qua đó để dẹp bỏ tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy xuyên tâm.