Tiến độ giải ngân vẫn chậm
Chiều nay (16/12), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về công tác xây dựng cơ bản năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, theo kế hoạch, dự kiến từ đầu năm 2019 sẽ khởi công 19 công trình và hoàn thành 22 công trình; thông xe 5 công trình/hạng mục công trình.
Tính đến nay, 11 công trình đã được khởi công, 9 công trình được hoàn thành. Trong đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành một số dự án công trình lớn như: Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, hầm Cù Mông, khởi công 2 đoạn đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn),...
“Công tác đấu thầu qua mạng của Bộ GTVT cũng tăng dần về số lượng và giá trị. Theo thống kê, tính đến 31/10/2019, Bộ GTVT đã thực hiện đấu thấu qua mạng 726/1.603 gói thầu (chiếm 45,3%), giá trị tương ứng là 4.308,5/14.504,4 tỷ đồng (đạt 22,9%)”, ông Thành thông tin.
Đối với một số dự án quan trọng như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo ông Thành, hiện việc bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB đã hoàn thành, 11/11 dự án đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm để lập phương án hỗ trợ, đền bù. Các địa phương đã giải ngân hơn 2.360 tỷ đồng cho công tác GPMB.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết, công tác giải ngân vẫn chậm, chỉ đạt hơn 50% kế hoạch. "Điều này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: công tác lập kế hoạch đến chỉ đạo điều hành của một số đầu tư chưa tốt, công tác lựa chọn tư vấn, nhà thầu còn chậm”, ông Thành nói.
Liên quan đến tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2019, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT, Bộ GTVT) cho biết, năm 2019, kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao là 29.542 tỷ đồng (28.396 tỷ đồng kế hoạch năm và 1.146 tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Tuy nhiên, tính đến 15/12, Bộ GTVT mới giải ngân được 13.422 tỷ đồng (đạt 45,4%).
Theo báo cáo, tới 31/12/2019, Bộ GTVT dự kiến sẽ giải ngân được 24.866 tỷ đồng (đạt 84,2%); Đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch 2019 (1/2020), sẽ đạt khoảng 27.870 tỷ đồng (đạt 94,4%).
Giao các ban QLDA làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ về hồ sơ dự án
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA phải hoàn thành kế hoạch giải ngân đã đăng ký (phần lớn là hơn 90%). Để tiến độ giải ngân đảm bảo kế hoạch, các ban QLDA phải chủ động rà soát, tích cực làm việc với các địa phương triển khai dự án.
"Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các ban QLDA phải bám sát các địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB, mặt bằng được giải phóng, việc giải ngân các hạng mục tiếp theo sẽ dễ dàng. Hay với các dự án khởi công mới như: 10 dự án quốc lộ đường bộ (Quản Lộ - Phụng Hiệp; QL53; QL57, QL4C, 4D,…) phải tập trung ký hợp đồng để giải ngân tạm ứng”, Bộ trưởng dẫn ví dụ.
Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ KH-ĐT giao các ban QLDA làm thủ tục giải ngân hơn 3.142 tỷ đồng đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ dự kiến giải ngân cho khoản hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ đã ứng cho các dự án BT, cố gắng hoàn thiện vào ngày 31/12. Còn lại, khoản 2.385 tỷ đồng đề nghị thu hồi ứng trước kế hoạch từ dự toán chưa giao và số vốn đã giao cho VEC không thông báo được kế hoạch, phải bám sát các bộ ngành để thu hồi tạm ứng.
Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ giám sát, kiểm điểm trách nhiệm của các ban QLDA, tổ chức cá nhân. "Không để tình trạng “rút kinh nghiệm sâu sắc” kéo dài mãi từ năm này qua năm khác mà không xử lý cụ thể cá nhân, tập thể nào để tạo sự răn đe, xử đúng người đúng tội", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng đề án quản lý chất lượng công trình giao thông, tiến tới các ban QLDA sẽ là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ về hồ sơ dự án thay vì chức danh đại diện chủ đầu tư như hiện tại.
“Quyền hạn, trách nhiệm của các ban QLDA sẽ được nâng lên. Những dự án lớn sẽ trình lên cục, vụ thẩm định, phê duyệt. Dự án thuộc nhóm nào, lãnh đạo Bộ ký duyệt tới đây sẽ quy định cụ thể. Các hợp đồng còn lại sẽ giao giám đốc ban QLDA ký kết. Do đó, các ban QLDA phải chủ động nâng cao nội lực thực hiện các dự án hiệu quả, đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng nói.