Sáng ngày 26/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Học viện Hàng không Việt Nam về công tác tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu Ban giám đốc Học viện cần sớm đẩy nhanh việc thành lập Hội đồng trường, bởi từ 1/7, khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi yêu cầu các trường đại học phải hoạt động theo mô hình mới, trong đó bắt buộc phải thành lập Hội đồng trường.
Hiện nay 4 trường đại học trực thuộc Bộ GTVT đã có 3 trường thành lập Hội đồng trường, riêng Học viện Hàng không vẫn chưa thành lập được. Bộ trưởng giao Cục Hàng không, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Học viện hàng không trong việc xây dựng Hội đồng trường trước 15/9.
Sau khi thành lập, theo chức năng nhiệm vụ, Hội đồng trường trong thời gian nhanh nhất phải công bố quy hoạch Học viện, cụ thể là quy hoạch các chức danh giám đốc, phó giám đốc Học viện. Trên cơ sở đó tổ chức đào tạo, tạo nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo đang thiếu hiện nay. Đồng thời nhanh chóng bổ sung 2 phó giám đốc Học viện, vì hiện nay chỉ có 1 giám đốc, 1 phó giám đốc là chưa đúng quy định.
Hội đồng trường phải xây dựng chiến lược phát triển Học viện Hàng không Việt Nam cho khoảng thời gian từ 20 năm, 30 năm tới, trong tình hình hiện nay khi có nhiều trường đại học liên quan đến lĩnh vực hàng không ra đời.
Bên cạnh đó, làm rõ, đề xuất cơ chế chính sách để Học viện phát triển và cạnh tranh được với nhiều trường khác trong thời gian tới, kiến nghị cấp Bộ hay cấp Chính phủ để giải quyết; Cơ chế chính sách nào để tăng nguồn thu cho Học viện, chẳng hạn như liên danh liên kết với các đơn vị để có thêm nguồn thu trả lương cho cán bộ giảng viên...
Bộ trưởng cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp mới bắt tay đầu tư vào lĩnh vực đào tạo hàng không, họ phải đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốn kém, trong khi đó Học viện Hàng không Việt Nam đã có truyền thống, có sở sở hạ tầng nhưng không tận dụng được để phát triển là quá lãng phí.
Trước đó, báo cáo với Bộ trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, công tác đào tạo của Học viện hiện nay vẫn đáp ứng chất lượng đầu ra, học viên khi ra trường đều được các doanh nghiệp nhận vào làm việc.
Tuy vậy bài toán nan giải hiện nay của Học viện là việc giữ chân các cán bộ nhân viên, bởi sự cạnh tranh từ các trường khác trong cùng lĩnh vực rất lớn. Học viện bị bó buộc bởi nhiều cơ chế nên việc chi trả lương thưởng cho giáo viên thấp, khiến giảng viên không bám trụ được.