Sáng 17/6, tại Hội trường, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề trong chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành do Bộ giao thông Vận tải (Bộ GTVT), Chính phủ đề xuất trình Quốc hội cơ chế đặc biệt.
Dự án được phân kỳ 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 25.540 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó hơn 12.700 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.700 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.
Để rút ngắn và thuận lợi khi triển khai, dự án dự kiến chia thành 5 dự án thành phần và Chính phủ xin Quốc hội cho áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như giao thẩm quyền cho hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước giải phóng mặt bằng, khai thác các dự án thành phần, dự án tái định cư, khai thác các mỏ vật liệu phục vụ dự án...
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Phạm Văn Thịnh đồng tình về chủ trương xây dựng dự án này. Ông cho rằng, đây là một con đường chiến lược cả về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu này cũng bày tỏ băn khoăn về báo cáo doanh thu trên lưu lượng xe khai thác toàn tuyến mà Bộ GTVT, Chính phủ trình Quốc hội.
Theo Đai biểu Thịnh, trong báo cáo doanh thu dự án, số liệu của Bộ GTVT và Chính phủ đưa ra dự báo nhu cầu xe của dự án này, đoạn đường có lưu lượng xe cao nhất của dự án này vào năm 2030 mới chỉ đạt 7.600 xe đi qua.
Như vậy, bình quân, mỗi ngày, đêm chưa tới 30 xe và mỗi tiếng trên đường cao tốc chưa đến 1 xe ô tô đi qua.
Đến những năm cuối của thời kỳ thu hồi vốn dự án, vào năm 2045 chỉ có khoảng 23.000 lượt xe đi qua, bình quân khoảng 60 lượt lưu lượng xe/ngày, đêm.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng: "Đây là những số liệu cần hết sức cân nhắc, đánh giá kỹ để có phương án thu hồi vốn cho doanh nghiệp, cho Nhà nước. Trong trường hợp rút ngắn thời gian thu phí dự án này, cần đưa ra sớm chính sách để nếu trường hợp thu hồi vốn không đạt mục tiêu, Nhà nước sẽ phải bù tiền từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương".
Tại Hội trường, sau khi có ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay: Đây là dự án có thời gian hoàn vốn rất nhanh trong 18 năm và bản thân doanh nghiệp đề xuất số năm thu phí và thu hồi vốn như vậy.
Không trả lời trực tiếp về lo ngại của Đại biểu Thịnh về lưu lượng xe ít, gây lo ngại cho nhà đầu tư về khả năng thu hồi vốn, ông Thắng cho biết, dự án khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương dự kiến sẽ được khởi công từ năm 2024, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe, thời gian dự kiến là 1,5 năm, chậm lắm là 2 năm. Đến năm 2045 sẽ mở rộng, khai thác 6 làn xe trên toàn tuyến.
Dự án có phương án đầu tư thu hồi vốn trong 18 năm. "Đây là thời gian được doanh nghiệp đồng tình, tán thành, ở góc nhìn tài chính ngân hàng, các ngân hàng cũng rất đồng tình", ông Thắng nêu.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, ở nước ngoài, châu Âu thời gian hoàn vốn cho dự án PPP là 30 năm, các dự án BOT đường bộ của Việt Nam đều thu hồi vốn trên 20 năm, thông thường là 25-27 năm.
Bộ trưởng GTVT nói thêm, thường vốn cho vay BOT của ngân hàng từ xưa đến nay chỉ khoảng 14-15 năm/ dự án. Với cao tốc Gia Nghĩa - Nhơn Thành, thời gian thu hồi vốn 18 năm là cũng đảm bảo khả năng tiếp cận vốn.
Liên quan đến tác động của dự án đối với thu hồi vốn, cân đối tài chính của dự án khác thuộc trục dọc, ngang khác ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, các dự án BOT khác sẽ bị ảnh hưởng, vấn đề này Bộ GTVT cũng đánh giá tác động. Chính phủ cũng quan tâm, yêu cầu Bộ GTVT trình phương án, cơ chế để giảm việc ảnh hưởng đến chủ đầu tư khác.
"Hiện theo phương án, thì có các biện pháp xử lý như sau khi Gia Nghĩa - Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ đánh giá tác động. Có thể cho phép dự án khác kéo dài thời gian thu phí. Phương án 2, nếu doanh thu quá giảm, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét phương án hỗ trợ kinh phí, đồng thời tiếp tục cho phép kéo dài thời gian thu phí.