Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội, và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg sáng nay, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới lao động và việc làm rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ thất nghiệp 2,42%, tỉ lệ thiếu việc làm 2,6%. Riêng khu vực phi chính thức trên 60%. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị.
Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân, Bộ trưởng thẳng thắn nhắc nhở Sở LĐTB&XH Hà Nội vẫn đang nghiên cứu thủ tục giấy tờ và đề nghị Bộ LĐTB&XH hướng dẫn.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, hiện nay, Sở đang đôn đốc các sở, ngành liên quan khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện Quyết định, trình UBND Thành phố ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng. Trong đó chú trọng, cụ thể thể hóa về trình tự, thủ tục, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện trong tổ chức triển khai thực hiện. Đảm bảo sau khi Quyết định được ban hành, các đơn vị có căn cứ triển khai ngay chính sách hỗ trợ.
"Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP, Sở đang xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đối với lao động tự do, đồng thời đang nghiên cứu phương thức chi trả để đảm bảo đúng nguyên tắc", bà Bạch Liên Hương nói.
Đồng thời, phân cấp trách nhiệm cho các sở, ngành, UBND cấp huyện trong việc phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tăng trách nhiệm của cấp huyện và sở, ngành trong việc triển khai một số chính sách trên địa bàn Thành phố. Trong tháng 7, Sở sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng.
Bà Bạch Liên Hương cũng đề nghị, Bộ LĐTB&XH sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, đối với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 phải lấy an toàn cho người dân là trước hết, không được để ai bị đói, bị thiếu cơm, thiếu mặc. Tinh thần là đảm bảo cuộc sống, nhất là quan tâm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Với phương châm như vậy, Bộ trưởng yêu cầu việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên toàn quốc phải rất khẩn trương. Các địa phương có Nghị quyết của UBND tỉnh thì tập trung triển khai hỗ trợ ngay, địa phương nào chưa tiến hành thì phải khẩn trương trong tuần này, không chậm trễ. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí, nhất là các địa phương, các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra thông tin tình hình, đơn vị nào chậm thì báo chí nêu. Cập nhật tình hình từng địa phương. Đơn vị làm tốt cần biểu dương trên mặt báo.
"Với tư tưởng của Chính phủ, nếu đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, không chỉ là trách nhiệm, bằng cả tấm lòng. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội. Với tinh thần đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn, bằng cả hành động, cả trái tim, tấm lòng với người nghèo, người khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi người dân cần thì cần phải được hỗ trợ ngay. Đến khi no cơm ấm áo rồi thì ý nghĩa bị giảm đi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg phải thật khẩn trương, gấp rút hoàn thiện ngay trong tuần này. Nhiều địa phương chưa hoàn thành văn bản hướng dẫn triển khai là chậm, chính sách của Chính phủ đã rất thông thoáng, địa phương không được thêm thủ tục nữa. Thậm chí, địa phương bớt được thủ tục hành chính càng tốt, sau này sẽ chú trọng công tác hậu kiểm. Các địa phương cần vào cuộc triển khai Nghị quyết không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả tấm lòng.