Trong khó khăn và những biến động, lạm phát toàn cầu, nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trong nền kinh tế, góp phần mang lại sự ổn định xã hội.
Năm 2023, mục tiêu, phương hướng của ngành nông nghiệp là xây dựng thương hiệu nông sản, Quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp, xứng tầm và Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Để làm rõ hơn về những mục tiêu cụ thể này, Đài Truyền hình Việt Nam đã có cuộc trao đổi đầu xuân cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2022 ngành nông nghiệp đã ghi dấu ấn trong mở rộng và chính ngạch hóa thị trường cho rất nhiều nông sản. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng lo ngại về khả năng duy trì đơn hàng và giữ chữ tín, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về điều này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi mở cửa được thị trường sầu riêng, bên cạnh sự phấn khích của nhiều nhà vườn, doanh nghiệp thì ngay lúc đó tôi đã phát đi một cảnh báo rằng chúng ta đã từng có nhiều loại nông sản xuất khẩu song rồi lại mất đi. Sở dĩ chúng ta thất bại vì quá háo hức mà quên sự chuẩn bị lại, quên đặc tính của thị trường... Đây là một hành trình mà chúng ta phải tổ chức lại.
Nếu cho tôi 6 giờ để đốn cây thì trong đó cần 4 giờ mài rùi, tức là chúng ta phải chuẩn bị tâm lý từ trung ương địa phương, cộng đồng dân cư, từ doanh nghiệp đến nhà vườn, cơ quan quản lý...
Chúng ta không phải "một mình một chợ" do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay các cơ quan hoạch định chính sách... phải đánh giá "biết người biết ta", chúng ta mạnh chỗ nào, người khác mạnh chỗ nào, chúng ta yếu chỗ nào... từ đó tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng xuất khẩu, tạo ra một liên minh của những nhà xuất khẩu, chứ không phải chúng ta đi buôn chuyến
Phóng viên: Biến đổi khí hậu và lạm phát vẫn là thách thức lớn trong năm 2023, với việc xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia thì bộ trưởng có thể chia sẻ bộ sẽ có những giải pháp gì để vượt qua thách thức và khẳng định vị trí của nông nghiệp?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hoa hiện trở thành một ngành công nghiệp của Hà Lan, nổi tiếng toàn thế giới hay như khoai tây của Bỉ là một ngành công nghiệp khoai tây của nước này. Chúng ta cần tư duy lại toàn bộ từng loại ngành hàng nông sản. Đây chính là nội dung trong Nghị quyết của Đảng yêu cầu chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị. Ví dụ như ẩn đằng sau nông sản như hạt gạo, trái soài, trái cam... là thương hiệu Việt Nam đằng sau.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức lại tất cả các ngành hàng. Tại đây, Bộ sẽ phối hợp cùng với các hiệp hội ngành hàng, người nông dân, địa phương... bắt đầu từ huấn luyện, tổ chức, thay đổi tư duy.
Phóng viên: Một lời chúc cho nông dân và doanh nghiệp cả nước Bộ trưởng có thể chia sẻ điều gì?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta chúc nhau mưa thuận gió hoà trước bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều cái không lường trước được. Nếu không mưa thuận gió hoà điều quan trọng là con người phải hoà hợp với nhau, người nông dân hợp tác với nhau, doanh nghiệp liên kết với nhau, từ đó chúng ta tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng vì hình ảnh của đất nước.
Xin cảm ơn và chúc Bộ trưởng nhiều sức khỏe và thành công!