Nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp MÙ MỜ: Mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa
Sáng ngày 4/3, trước khi tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra, Lạng Sơn có 1.400 xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu, trong đó có 800 xe chở nông sản, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
"Trong khoảng thời gian này, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3", bà Hà nói thêm.
Việc các bên xắn tay cùng xử lý việc ùn tắc nông sản cửa khẩu chỉ là phần ngọn, trong khi vấn đề căn cơ nằm ở nền nông nghiệp Việt Nam, khi 90% xuất khẩu sang Trung Quốc là qua đường tiểu ngạch.
"Tôi gọi nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp mù mờ: Mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.
Ông bày tỏ mong ước sản lượng nông nghiệp Việt Nam rõ ràng như dự báo thời tiết, sáng nào cũng nắm bắt được để dẫn dắt thị trường. Khi ấy, chúng ta có thể dẫn dắt chủ động trước 1 - 2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe ở miền Tây, Tây Nguyên rồi mới loay hoay, thậm chí có những lúc chở hàng tới cửa khẩu chưa biết khi nào thông quan được, giống như cái chợ, lên đó mình cứ chở ra chợ, không bán được chợ sáng thì chợ chiều, cùng lắm lại quay về.
Hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh mở cửa, nông dân Thái Lan 1 giờ sau đã biết giá
Ảnh minh họa. Nguồn: Adobe.
"Bản thân không phải chúng ta "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh (Trung Quốc) mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã. Bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta. Sự tự bằng lòng và hài lòng của chúng ta quá lớn mà chưa thấy được rủi ro".
Bệnh của mình là bệnh tự bằng lòng, hài lòng mà chưa thấy được rủi ro. Chúng ta không phải 'một mình một chợ'!
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang mở thị trường Trung Quốc nhưng các nước cũng vậy, đặc biệt là Thái Lan. Trong khi đó, người Việt có bệnh "tự bằng lòng" quá lớn.
Bộ trưởng cũng cho biết sang tuần, ông đã lên lịch chủ trì các công việc để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
"Chúng ta cũng tách bạch ra các công việc: việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào Hiệp hội ngành hàng làm, việc nào chúng ta phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch hay đường biên lối mở" với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch".
"Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn", Bộ trưởng Hoan nói.
Sắp tới, Bộ NN&PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc, đồng thời xin ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng. Bộ cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU – thị trường Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA, một thị trường khó tính nhưng tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia.
"Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố lại Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin từ Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài, để có thể thông tin hàng ngày", Bộ trưởng Hoan nói.
Trong khi câu chuyện ùn tắc nông sản được đưa ra bàn thảo, Lạng Sơn dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu tỉnh này lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.
"Cùng với các biện pháp chúng tôi triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau".
"Chúng tôi mong các Bộ Công Thương, NN&PTNT, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp", Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lạng Sơn bày tỏ.