Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ở bất kỳ bài toán kinh tế nào thì cân đối nguồn lực là bài toán tối ưu nhất. Bởi chúng ta vẽ ra được các câu chuyện thì rất dễ nhưng thực hiện mới là khó.
Chiều ngày 23/4, Tại Hội nghị về các vấn đề phát triển lâm nghiệp và việc "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 38% năm 2006 lên 41,89% năm 2019 và dự kiến đạt 42% năm 2020 với tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 13 tỷ USD năm 2020.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 thu về 13 tỷ USD |
Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, nêu rõ, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản sẽ đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025; đạt 23-25 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, giá trị tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước năm 2025 phải đạt 5 tỷ USD, năm 2030 đạt 6 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Khuyến khích trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, cần thúc đẩy hình thành những DN lớn, khu công nghiệp lớn sản xuất và chế biến hiện đại mang tầm cỡ khu vực và thế giới để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phát triển các hình thức thương mại hiện đại, cùng với xây dựng thương hiệu gỗ Việt, sử dụng nguồn gỗ hợp pháp và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ nhằm đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển thêm các nguồn thu từ dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng... Đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ hấp thụ các-bon.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, lâm nghiệp hay bất kỳ một lĩnh vực nào khác khi đề ra chiến lược bao giờ cũng phải giải quyết được câu chuyện: Bảo tồn và phát triển. Phát triển làm sao để không phá vỡ cái mà chúng ta bảo tồn, còn nếu bảo tồn mà đóng kín cửa hết thì lấy gì phát triển?.
Bàn về nguồn lực để phát triển, Bộ trưởng Hoan cho rằng: “từ ý tưởng tốt chúng ta sẽ tạo ra được nguồn lực, chứ không phải là có nguồn lực thì chúng ta mới có ý tưởng. Người lãnh đạo không phải là người nhận ngân sách về rồi đem ra cân, chia đều cho nhau. Một chiếc bánh ngân sách cho một ngành, một lĩnh vực hồi xưa giờ chúng ta quan niệm là làm sao chia bánh đó cho đều. Giờ lãnh đạo không phải là người chia chiếc bánh mà phải tư duy làm sao để chiếc bánh đó lớn lên, nở to ra”, ông nói.
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, phải để cho con cháu chúng ta mai sau có hệ sinh thái rừng đa dạng |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ở bất kỳ bài toán kinh tế nào thì cân đối nguồn lực là bài toán tối ưu nhất. Bởi, chúng ta vẽ ra được các câu chuyện thì rất dễ nhưng thực hiện mới là khó. Nếu không thực hiện được đó mãi là kế hoạch, là chiến lược. Do đó, chúng ta phải xác định được thứ tự ưu tiên, cần tập chung, phải suy nghĩ làm sao để tạo ra nguồn lực.
Bộ trưởng tin rằng, nếu có một chính sách tốt, có một ý tưởng khởi tạo tốt sẽ thu hút được nguồn lực từ xã hội, từ doanh nghiệp.
Theo ông Hoan, trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp, cần tính toán phát triển làm sao để thỏa mãn nhu cầu của thế hệ này nhưng đừng làm tổn thương nhu cầu của thế hệ mai sau. Phải để con cháu chúng ta có hệ sinh thái rừng, có đa dạng sinh học,... từ đó ngẩng cao đầu với thế giới rằng “Việt Nam là đất nước xanh”.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ông sẽ cùng với các bộ ban ngành, cùng với xã hội tạo lập được điều gì đó cao cả hơn là những con số đong đo đếm được, đó là khát vọng Việt Nam xanh, tạo lập hệ sinh thái bền vững, phát triển hệ sinh thái đa dạng sinh học.
“Chúng ta cần chứng minh với thế giới ta có một nên lâm nghiệp có trách nhiệm. Ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đeo đuổi lợi ích kinh tế mà còn giúp cân bằng các vấn đề xã hội, môi trường, hòa nhập vào tư duy của thế giới”, ông nhấn mạnh.
Tâm An