Ngày 26-10, buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với các "vua nông sản" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức đã diễn ra.
Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các doanh nghiệp cần có tư duy khác để tạo ra đa giá trị trước thực tế giá đầu vào của ngành nông nghiệp đang tăng nhanh nhưng giá bán thành phẩm theo thị trường lại đang thấp.
"Nếu các doanh nghiệp xem hồi phục là kiểm soát được Covid-19, công nhân trở lại nhà máy rồi sản xuất y như cũ, cà phê vẫn là cà phê, sắn vẫn là sắn, chuối vẫn là chuối… thì không thể tạo ra bước nhảy vọt để bù cho 4 tháng dịch bệnh vừa qua. Đơn cử mặt hàng cà phê, chúng ta bỏ vỏ, dùng hạt ép lấy nước cà phê phần hữu dụng chỉ chiếm có 0,2%, còn lại bỏ đi. Trong khi đó, Trung Quốc dùng bã cà phê để làm giá thể trồng nấm, mỗi năm xuất khẩu được 17 tỉ USD. Giá thể này sau đó còn dùng chế biến làm thức ăn chăn nuôi" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng.
Nếu cà phê chỉ dùng để ép uống nước cà phê thì chúng ta đã lãng phí rất lớn tài nguyên
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đau đáu trước thực tế Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng nhiều ngành nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều nên khi thế giới bị tác động Covid-19 làm chuỗi cung ứng đứt gãy sẽ tạo ra cú sốc tăng giá nhiều mặt hàng. Do đó, đây là lúc Việt Nam cần nhìn lại mặt hàng nào chúng ta có thể chủ động sản xuất để thay thế, mặt hàng phải chấp nhận nhập khẩu.
"Hay như vùng canh tác lúa – tôm ở ĐBSCL, lâu nay chúng ta bán tôm đằng tôm, gạo đằng gạo. Nên chăng chúng ta tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng như hộp cơm tôm. Đây là minh chứng cho việc cộng hưởng giá trị, chứng minh cho sự thích ứng của ĐBSCL với biến đổi khí hậu. Ngoài chuyện gia tăng giá trị đầu ra, chúng ta có thể nghĩ cách tiết giảm đầu vào. Ví dụ trường hợp ngành gạo, hiện đã có quy trình giảm lượng giống gieo sạ, từ đó giảm phân thuốc để giảm giá thành, giúp tăng hiệu quả để ứng phó với tình trạng giá vật tư đầu vào tăng" – người đứng đầu ngành nông nghiệp gợi ý.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các nước ứng dụng khoa học công nghệ và thành công thì Việt Nam cũng có thể làm được. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẵn sàng huy động các nhà khoa học từ các viện, trường trong việc hợp tác công - tư với các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa các công trình nghiên cứu ra thị trường.
Tại buổi đối thoại, "vua tiêu" Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, góp ý về việc cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lớn xây dựng nhà máy tại các vùng nguyên liệu, giúp cho việc tiêu thụ nông sản ổn định. Ông Thông dẫn chứng trường hợp vùng cà phê Sơn La, sau khi Phúc Sinh xây dựng nhà máy thì chỉ 4 năm, nông dân hưởng lợi khi giá bán cà phê tăng gấp đôi.
"Trước đó, cà phê Sơn La phải mang vào Tây Nguyên để trộn vào cà phê ở đây mới bán được. Giờ đây, nhà máy Phúc Sinh tại Sơn La tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau từ cà phê, trong đó có trà Cascara khiến cho vỏ cà phê có thể bán giá 16 USD/kg trong khi nhân cà phê chỉ 2 USD/kg" - ông Thông cho biết.