Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc và được xem là một trong những nền kinh tế có sự tăng trưởng tốt nhất khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 7,02%, cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng của lạm phát (ở mức 2,7 - 2,8%). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cho ra mắt Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tiến tới một Chính phủ điện tử thông minh và kiến tạo. Đây được xem là tiền đề tốt để bước vào năm 2020, năm bản lề khi Việt Nam đảm nhiệm hai vai trò quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên Không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Không để ai lại phía sau
PV: Thưa Bộ trưởng, tính minh bạch hóa cũng như giảm thủ tục hành chính là điều dễ nhận thấy trong nỗ lực của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua. Việc ra đời của Cổng Dịch vụ công Quốc gia liệu có phải là một bước đột phá để tạo điểm nhấn mới?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sự ra đời của Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một bước đột phá trong cải cách hành chính gắn với ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT). Đây là một bước đi rất đúng hướng với xu thế thời đại.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Trọng Phú)
|
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không còn cách nào khác là phải tạo ra hệ thống quản trị thông minh, một Nhà nước thông minh, chuyển dữ liệu sang số hóa. Đây là những nhu cầu cấp thiết và đây cũng là dư địa cho tăng trưởng kinh tế của đất nước chúng ta. Khi nhận nhiệm vụ của Thủ tướng giao, chúng tôi đã khảo sát để nghiên cứu ở các nước từ Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.
Các nước tiên tiến đều mạnh mẽ ứng dụng CNTT, họ đưa ra những lộ trình thực hiện việc cải cách. Việc ứng dụng CNTT là một thách thức lớn và nếu chúng ta vượt qua những thách thức này thì đây chính là dư địa để tăng trưởng. Tôi cho rằng Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nếu chúng ta làm tốt điều này, tức là đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước. Chúng ta phục vụ theo hướng không để ai lại phía sau, đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã có những định hướng như thế nào để người dân tiếp cận được dễ dàng nhất với Cổng Dịch vụ công Quốc gia?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Về phía Nhà nước, phải đảm bảo rà soát lại toàn bộ, tái cấu trúc quy trình thủ tục. Thứ hai, chúng ta phải minh bạch hóa mọi quy trình để người dân và doanh nghiệp giám sát. Đây là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đồng thời cũng là nghĩa vụ của người dân, quyền lợi của người dân khi họ được thực hiện những dịch vụ minh bạch.
Để người dân tiếp cận Cổng Dịch vụ công Quốc gia được thuận lợi, trước mắt chúng ta đưa vào 8 nhóm vấn đề. Đó là cấp bằng lái xe quốc tế, đổi bằng lái xe trong nước, đăng ký hoạt động khuyến mại, vấn đề cấp mới cho điện hạ áp đối với người dân, cấp mới điện trung áp đối với doanh nghiệp và tổ chức. Bên cạnh đó là vấn đề đăng ký khai sinh của Hà Nội và Hải Phòng, vấn đề khai tử và vấn đề hỗ trợ mai táng phí… Đây là những dịch vụ mà doanh nghiệp, người dân cần trước thì sẽ đưa tích hợp vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước.
Các thành tựu kinh tế - xã hội trong năm 2019 tạo đà phát triển mạnh cho năm tiếp theo. (Ảnh: Huy Phương) |
|
Thành công của 2019 tạo đà bứt phá trong 2020
PV: Qua báo cáo của Chính phủ vừa qua tại kỳ họp Quốc hội, có thể thấy có nhiều điểm sáng trong bức tranh về kinh tế xã hội của nước ta. Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đây là năm bối cảnh thế giới đang diễn ra phức tạp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bảo hộ, chiến tranh thương mại và tình hình Biển Đông.
Ở trong nước, chúng ta có thể thấy sự cố gắng, quyết tâm dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị và việc tổ chức thực hiện những Nghị quyết của Quốc hội.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành rất quyết tâm thực hiện. 12/12 chỉ tiêu năm nay chúng ta đã vượt và hoàn thành. Tăng trưởng 12 tháng là 7,02%. Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Đấy là những tín hiệu đáng mừng.
Vấn đề giải ngân, vốn đầu tư công, vấn đề liên quan đến thu hút vốn FDI, ODA, những vấn đề an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, vấn đề giảm nghèo đều được thực hiện với kết quả tích cực.
PV: Năm 2020 là một năm rất quan trọng khi đất nước bước vào một thập kỷ mới và cũng là năm Việt Nam đảm nhận hai vị trí quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vậy Chính phủ đã có những phương án gì trong năm 2020, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đánh giá việc thực hiện về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đường lối đối ngoại của năm 2019 thì chắc chắn chúng ta đã đạt được những thành tựu, kết quả rất đáng trân trọng.
Đặc biệt là những chỉ số vĩ mô, ngay cả vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều giảm so với đầu nhiệm kỳ. Vấn đề chỉ số CPI, vấn đề liên quan đến đánh giá sự vững mạnh của chính sách tiền tệ, vấn đề tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều khả quan.
Khi chúng ta chuẩn bị bước sang năm cuối cùng của bản lề nhiệm kỳ (năm 2020) thì có thể nói là một năm rất ý nghĩa. Năm 2020 kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 90 năm Mặt trận tổ quốc Việt Nam, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây có thể nói là những dấu mốc lịch sử để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm hai vai trò quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: VGP) |
2020 là năm mà Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc- hai vị trí quan trọng trong cùng một năm. Khí thế tăng cao khi chúng ta bước vào năm 2020.
Có thể nói 2020 là một năm bản lề rất quan trọng, cơ hội để bứt phá. Để làm được điều đó, chúng ta phải hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, phải rà soát lại toàn bộ tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu. Những chỉ tiêu nào mà chúng ta thấy rằng có thể vượt được là phải bứt phá vượt. Những chỉ tiêu nào chưa thể hoàn thành thì phải tạo ra mọi giải pháp tích cực nhất để hoàn thành, không được để một chỉ tiêu nào không hoàn thành. Đây là chỉ đạo rất toàn diện của Thủ tướng.
Trong việc xây dựng Nghị quyết 01 năm 2020, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết này sẽ có nhiều đổi mới hơn so với nghị quyết của năm 2018, 2019.
Nghị quyết 2018 không đề cập những nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành mà chỉ giao những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản với 242 nhiệm vụ cụ thể. Năm 2019 rút xuống còn 186 nhiệm vụ cụ thể. Đến năm 2020 sắp tới sẽ có nghị quyết còn cải cách tốt hơn. Đó là chúng ta sẽ nêu một số điểm nhấn của từng lĩnh vực. Ví dụ như: Công nghiệp tập trung như thế nào, mục tiêu ra sao, nông nghiệp thế nào, dịch vụ thế nào, công nghiệp phụ trợ ra sao? Tất cả những việc như vậy chúng ta đưa ra nhóm giải pháp mang tính mục tiêu, để có định hướng thực hiện thành công.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.