Xe tải chở dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại Đối thoại Năng lượng Tương lai Trung Đông và Bắc Phi - châu Âu đang diễn ra ở Jordan, ông Al Mazrouei nói rằng các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác của OPEC+ đang thiếu hụt 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu. Ông cũng hy vọng Trung Quốc, quốc gia đang nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19, sẽ tiêu thụ nhiều dầu mỏ hơn.
Tuần trước, OPEC+ đã nhất trí nâng mức tăng sản lượng trong tháng 7 và 8/2022 lên 648.000 thùng/ngày, từ mức tăng hàng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày. Những lo ngại về nguồn cung đã khiến giá dầu tăng cao kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022.
Giá dầu Brent đã tăng 2,84% lên 124 USD/thùng vào lúc 10h13 phút sáng 8/6 (theo giờ UAE), trong khi giá dầu WTI tăng 2,82% lên 122,78 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã tăng hơn 70% kể từ năm ngoái khi các nền kinh tế phát triển phục hồi từ đại dịch COVID-19, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ tư và EU đang thúc đẩy một lệnh cấm đối với hầu hết dầu thô nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.
Nguồn cung dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng do đầu tư và chi tiêu trong ngành dầu khí giảm sút khi các chính phủ tìm cách chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải. Tổng vốn đầu tư vào các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đã giảm 23% xuống còn 341 tỷ USD trong năm 2021.
Ngoài ra, ông Al Mazrouei cũng đã nhắc lại lời kêu gọi tăng cường đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng toàn cầu, một phần do OPEC+ có thể không đáp ứng được nhu cầu của toàn thế giới khi các nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch.