Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có công văn hoả tốc gửi các Bộ trưởng, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Trong công văn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 1042, Bộ đã có văn bản hướng dẫn phân bổ chi tiết và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó đề nghị một số giải pháp, tiến độ liên quan đến công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2019. Nhất là khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2019 nhưng chưa được giao do chưa đủ điều kiện pháp lý.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án hoặc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019.
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn ngân sách nhà nước kế hoạch 2019 đã được giao là 294.219 tỷ đồng.
Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 232.400 tỷ đồng, chiếm 78,99%; Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 19.598 tỷ đồng, chiếm 6,66%; Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 17.985 tỷ đồng, chiếm 6,11%; Vốn trái phiếu Chính phủ 9.684 tỷ đồng, chiếm 3,29%; Vốn nước ngoài 14.551 tỷ đồng, chiếm 4,94%.
Cập nhật số liệu giải ngân 6 tháng năm 2019 cho thấy, tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ 6 tháng năm 2019 của các địa phương đạt 96.639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32,85%, thấp hơn 1,88% so cùng kỳ năm 2018.
Tỷ lệ giải ngân cao trên 50% có 13 địa phương. Tỷ lệ giải ngân dưới 30% có 16 địa phương. 16 địa phương này gồm: Đồng Nai, Khánh Hoà, Tp.HCM, Yên Bái, Thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Cà Mau, Hoà Bình, Bình Dương, Tiền Giang, Đắc Nông, Gia Lai.
Phân theo nguồn vốn cho thấy có 3/5 nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp là vốn trái phiếu Chính phủ; vốn nước ngoài ODA, vốn ngân sách Trung ương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải tình trạng giải ngân thấp do còn tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm. Các tháng đầu năm 2019, địa phương tập trung giải ngân vốn kéo dài của kế hoạch năm 2018 sang năm 2019.
Nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung.
Ngoài ra, các nguyên nhân chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu và đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác chuẩn bị hồ sơ cũng làm giải ngân chậm đối với vốn ODA.
Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm do một số địa phương đang tập trung giải ngân số vốn được phép kéo dài thủ tục từ năm 2018. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành kế hoạch 6.990 tỷ đồng mới giải ngân 310 tỷ đồng, bằng 4,45% kế hoạch do tỉnh Đồng Nai còn lúng túng trong thủ tục triển khai và thủ tục thanh toán.
"Tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 vẫn ở mức thấp, đặc biệt đối với 3 nguồn vốn: vốn ODA, Chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ. Để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 được giao, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.