Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Quốc hội chiều nay (29/10) đã thẳng thắn nói về một thời kỳ không mấy tốt đẹp của đầu tư công. Đó là thời gian trước khi Luật đầu tư công được ban hành.
Lúc này, theo Bộ trưởng, việc quản lý đầu tư công phân tán, gây hệ quả lớn là các quyết định đầu tư dự án dàn trải, tuỳ tiện, "quyết định đầu tư nhưng không biết tiền ở đâu và có bao nhiêu", Bộ trưởng nói.
Điều này đã tạo nên áp lực phải đi "xin vốn", mà nếu không đủ vốn thì lại "ứng trước", khiến kéo dài nợ đọng và hiệu quả dự án không có. Những vấn đề này đã buộc trong những năm từ 2016 – 2020 các đơn vị có chức năng phải tập trung xử lý.
Luật Đầu tư công về sau được ban hành với mục đích khắc phục những vấn đề này. Kể từ khi Luật đi vào có hiệu lực, Bộ trưởng cho rằng nó đã làm được 2 việc nổi bật: khắc phục được việc đầu tư dàn trải, phân tán và chấm dứt nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với kết quả đầu tiên, Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn 2011 – 2015, có tới 21.000 dự án đầu tư mới, trong khi đó, sang đến giai đoạn 2016 – 2020, số dự án đã giảm chỉ còn 9.620, trong đó, hơn 8.000 dự án là của giai đoạn 2011 – 2015 chuyển qua.
Dự án lớn, dùng ngân sách trung ương trên địa bàn cũng chỉ có 412 dự án, chiếm chưa đến 4%.
"Chúng ta phải triệt để giảm dàn trải, tập trung trả nợ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Chính phủ đang lấy nguồn vốn ở đây, tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hơn 9.000 tỷ đồng, trả nợ giai đoạn trước hơn 50.000 tỷ đồng. Vốn cho hơn 8.000 dự án chuyển tiếp chiếm gần 65% số vốn.
Kết quả thứ hai được Bộ trưởng đề cập là nợ đọng cơ bản đã chấm dứt từ 31/12/2014 khi Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực.
"Nợ đọng xây dựng cơ bản xuất hiện kể từ 1/1/2015 là một hành vi vi phạm pháp luật", Bộ trưởng nói và khẳng định số vốn bố trí ở nhiệm kỳ này đã đủ để trả hết nợ đọng giai đoạn trước.
Về kết quả chung, Bộ trưởng nhận xét ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến đầu tư công đã cao hơn, tính tuỳ tiện khi quyết định dự án dù còn tồn tại nhưng đã giảm nhiều.
Ông thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế như giao vốn chậm, giao nhiều lần, hiệu quả dự án chưa cao... nhưng cũng khẳng định Bộ và các cơ quan chức năng nhận thức được vấn đề. Chính phủ đã ban hành Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ các ách tắc, rào cản liên quan đến Luật Đầu tư công cũng như Luật đang được sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian sắp tới.