Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Đây là dự án luật được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.
Vì thế, dù đã qua nhiều lần chỉnh sửa với không ít đề xuất đưa vào rồi lại rút ra, song dự thảo mới nhất vẫn khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn.
Nhà nước sẽ đẩu tư bao nhiêu và thu lại được những gì là câu hỏi từ Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ông Hiển cũng cho rằng nên có chính sách hợp lý về đất đai chứ không nên miễn giảm quá mức như tại dự thảo luật (nhiều dự án được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đến 30 năm - PV) vì không phù hợp với tình hình thực tế ba đặc khu là những vùng đất có giá trị cao.
Về chính sách thuế, đồng tình với quy định để đảm bảo tính nổi trội nhưng ông Hiển cũng lưu ý phải tính kỹ, bởi nếu không cẩn thận thì chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra, thậm chí không cẩn thận tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhất là sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan.
Nhất trí với quy định miễn thuế tài sản song Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phân tích chính sách ưu đãi thuế bất động sản để tránh hiện tượng lướt sóng. Và lương cán bộ công chức cao rồi thì cũng không nên miễn thuế thu nhập cá nhân nữa.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phần nào hồi âm những băn khoăn của Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển.
Về hiệu quả kinh tế, Bộ trưởng cho biết đã phối hợp với tư vấn nước ngoài xây dựng ba kịch bản, không thành lập đặc khu, thành lập không có điều kiện thuận lợi và thành lập có điều kiện thuận lợi. Ở cả hai kịch bản sau đều cho thấy đóng góp vào ngân sách và đóng góp cho GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người đều cao hơn nhiều so với kịch bản không thành lập, Bộ trưởng cho biết.
Với những quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, ông Dũng cho rằng ưu đãi không đóng vai trò quyết định mà môi trường đầu tư kinh doanh có thuận lợi không, có thông thoáng không, đảm bảo cạnh tranh không mới quan trọng.
Dự thảo luật mới đã giảm thiểu ưu đãi, chỉ tập trung vào môt số ngành nghề và trong một thời hạn nhất định, các ưu đãi đã thấp hơn dự tính ban đầu, được cân nhắc tính toán rất kỹ càng đảm bảo tính chặt chẽ và đề nghị không thu hẹp ưu đãi nữa, sẽ mất tính vượt trội và cạnh tranh, Bộ trưởng nói.
Vị trưởng ban soạn thảo dự án luật rất đặc biệt này cũng khẳng định với quy địnhh của dự thảo luật thì ngân sách chỉ bỏ ra làm vốn mồi để thu hút đầu tư. Và vốn Trung ương hỗ trợ về là dòng riêng, tỉnh không được sử dụng.
Đến nay vẫn còn một điểm hết sức băn khoăn là xây dựng thể chế đó rồi nhưng các nhà đầu tư chấp nhận đến đâu, ta đang bàn cho họ quyền này quyền kia nhưng họ hưởng ứng đến đâu, Bộ trưởng trình bày.
Băn khoăn nữa theo Bộ trưởng là đến nay cũng chưa xác định được các nhà đầu tư chiến lược, mà đó là vấn đề quyết định sự thành bại của các đặc khu.
Vấn đề mà theo Bộ trưởng cũng hết sức đáng lo ngại là bộ máy và đội ngũ cán bộ cho đặc khu, bởi tăng mạnh phân cấp phân quyền, nhưng có điều hành được không hấp thụ được không cũng rất đáng lo.
Phát biểu sau đó, cả lãnh đạo Quảng Ninh và Khánh Hoà, nơi có hai đặc khu Vân Đồn và Bắc Vân Phong đều đồng tình với Bộ trưởng Dũng là nên giữ các chính sách ưu đãi đầu tư, không nên thu hẹp thêm nữa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, ông Trần Sơn Hải nêu cảm nhận rằng khi bàn chính sách ưu đãi cho các đặc khu mới nhìn từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông thì phải xem các nhà đầu tư suy nghĩ gì, bởi nhà đầu tư phải tính đến lợi nhuận mới vào các đặc khu. Vì thế cần cân đong đo đếm ưu đãi theo từng thời điểm, và nên giữ nguyên các chính sách đã trình.
Từ góc độ cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thông tin thêm là cho đến tận chiều thứ sáu tuần trước Chính phủ vẫn muốn giữ một số chính sách ưu đãi thuế như dự thảo luật ban đầu nhưng "chúng tôi thống nhất giữ như mức hiện nay".
Ông Định cũng cho biết dự thảo luật không thể làm rõ "trường hợp đặc biệt" được thuê đất đến 99 năm vì đó là chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, thế nào đặc biệt thì sau này tính sau.
Sau khi nghe hồi âm từ cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có ý kiến rằng, Uỷ ban Thường vụ không phải cơ quan tư vấn cho cơ quan soạn thảo và thẩm tra mà là cho ý kiến về dự thảo luật.
"Nói là thống nhất hết rồi thì đưa ra Thường vụ Quốc hội làm gì, vấn đề gì không tiếp thu thì phải giải trình, phải rất nghiêm túc trong cách làm việc", Phó chủ tịch nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định sự thống nhất quan điểm là luật về ba đặc khu bảo đảm vượt trội về cơ chế chính sách, nhưng không trái Hiến pháp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế.
Trở lại câu hỏi thành lập ba đặc khu thì thu được gì, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói nếu thành lập ba đặc khu thì có hiệu quả hơn là không thành lập, đến nay chỉ có thể biết được đến thế.