Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như là giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế mới.
Xu thế đầu tiên là bỏ qua trung gian. Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc phát triển 2 sàn thương mại điện tử cho nông dân thành 2 sàn thương mại điện tử nông nghiệp lớn nhất hiện nay.
Năm 2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng hoàn thành mục tiêu tạo gian hàng số cho 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Vietnam Post cung cấp nền tảng số, hướng dẫn cách lên sàn, hỗ trợ các hộ gia đình đồng bộ các giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán.
Chỉ tính riêng sàn Postmart.vn, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, sàn hỗ trợ hơn 20.000 hộ sản xuất nông nghiệp đưa các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch lên sàn như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn xuồng Đồng Tháp, khoai lang tím Vĩnh Long, sầu riêng Đắk Lắk, na Chi Lăng - Lạng Sơn, bưởi Phúc Trạch…
Thứ hai, chuyển đổi số tạo ra xu thế phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như 1 doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, con.
“Giải pháp là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, thông tin như một dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ, với giá phù hợp mà các hộ có thể tiếp cận”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thứ ba, chuyển đổi số tạo ra xu thế phi vật thể hóa. Theo đó, chuyển đổi số sẽ hình thành một phiên bản số của thế giới thực, tức là số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi… Sau đó, các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo, tác động trở lại thế giới thực.
“Trong số 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp. Ví dụ nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tốt ưu hóa chuỗi cung ứng. Nền tảng được hiểu là phần mềm ứng dụng cho toàn quốc, cho các tỉnh, nhất là cho các xã và hộ nông dân”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
“Có một kinh nghiệm tốt ở các địa phương để làm tốt chuyển đổi số là phát triển tổ công nghệ cộng đồng ở cấp xã, thôn và lấy thanh niên làm nòng cốt”.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bộ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số...
Trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng. Ban hành hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng. Số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến. Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi, xây dựng và phổ biến từ 2-3 mô hình mẫu về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp.
Để chuyển đổi số hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn.