Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, đã có gần 3.000 phóng viên quốc tế, đến từ 200 hãng thông tấn, báo chí từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sự kiện dự kiến diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam trong 2 ngày 27 và 28/2.
Về phía Việt Nam, có 550 phóng viên đăng ký đưa tin. Số lượng phóng viên, số các hãng thông tấn đăng ký tham dự sự kiện lần này nhiều hơn so với APEC 2017. Trong khi đó, Việt Nam có gần 3 tháng để chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ APEC nhưng vì một số lý do, Việt Nam chỉ có gần 10 ngày để chuẩn bị sự kiện lần này.
Chia sẻ về Trung tâm Báo chí Quốc tế, nơi phục vụ gần 4.000 phóng viên đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Nơi các bạn đang ngồi đây vốn không phải một trung tâm báo chí. Nó là một nhà văn hóa. Hạ tầng, cơ sở vật chất dành cho Trung tâm báo chí phải chuẩn bị lại từ đầu. Nếu các bạn phóng viên trong nước và quốc tế đến đây 3 ngày trước, các bạn sẽ thấy tinh thần làm việc của người Việt Nam. Chúng tôi làm 24/24, không ngủ, để có được trung tâm báo chí như ngày hôm nay".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh để đảm bảo hoạt động cho 4.000 phóng viên trong một diện tích không quá lớn, thách thức lớn nhất là đảm bảo mạng không bị nghẽn. Tại Trung tâm báo chí, nếu tất cả phóng viên đều sử dụng Wifi, đường truyền vẫn đáp ứng đủ và cung cấp tốc độ tối thiểu là 5 MB/s. Đường truyền quốc tế cũng sẽ được đảm bảo ở mức thấp nhất là 3 MB/s.
Ngoài ra, còn có 1.500 điểm truy cập Internet cố định. Tốc độ đường truyền quốc tế với mạng có dây là 10 MB/s trong khi dùng thông thường là 20 MB/s. Đường truyền vào khu vực báo chí đạt 80 GB/s trong khi đường truyền đi quốc tế là 40 GB/s.
30 trạm phát sóng 4G, 3G và 2G cũng đã được lắp đặt ở Trung tâm báo chí để đảm bảo cho hàng nghìn người có thể sử dụng điện thoại di động tại cùng một thời điểm. Mạng di động sẽ không bị nghẽn ngay cả khi tất cả mọi người cùng dùng tới điện thoại.
"Chúng tôi đảm bảo các kênh truyền hình vệ tinh trực tiếp từ đây ra quốc tế. Có 14 hãng thông tấn, truyền hình quốc tế đã thuê 14 kênh nhưng dung lượng vẫn còn đủ để đáp ứng các nhu cầu truyền hình qua vệ tinh khác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Những tài liệu phục vụ quá trình tác nghiệp của các cơ quan báo chí cũng đã được Bộ Thông tin Truyền thông chuẩn bị sẵn. Trong suốt sự kiện, Bộ TTTT sẽ cử 2 đồng chí Thứ trưởng trực tiếp có mặt để giải quyết các vấn đề liên quan tới phóng viên. Đây là hai thứ trưởng phụ trách về Hạ tầng và Thông tin Tuyên truyền của Bộ TTTT.
"Bộ Thông tin Truyền thông là người nhà của các bạn khi các bạn ở Việt Nam tác nghiệp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cũng cho biết thêm, so với công tác chuẩn bị của Singapore, nhìn vào các chỉ số cho thấy, cơ sở hạ tầng, thông tin truyền thông của Việt Nam nhiều gấp rưỡi tới gấp đôi nước bạn về cả tốc độ và số lượng khi chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.