Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xác định, lợi dụng không gian mạng để gây hại là một vấn đề lớn. Bộ trưởng đánh giá: "Vấn đề này đang ngày một gia tăng. Trong thế giới thực có gì thì trên không gian mạng cũng có những điều như vậy. Hiện nay, thế giới của chúng ta đang có sự chuyển dịch vĩ đại là chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo.
Trong thế giới thực, chúng ta có hệ thống pháp luật, có chính quyền trung ương, địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, nhưng trên không gian mạng thì chưa có được như vậy. Nhưng cuộc sống thì đã đi vào không gian mạng rất nhiều và gây ra những hệ lụy có thực rồi.
Giải pháp của chúng ta lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh của không gian mạng. Giải pháp lâu dài, chúng ta phải đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông, đây sẽ là một giải pháp căn cơ nhất.
Đời thực của chúng ta, chúng ta thở bằng không khí. Không gian mạng chúng ta thở bằng tin tức nội dung. Đời thực mỗi ngày có hàng ngàn tấn rác, nếu chúng ta không dọn thì ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong không gian mạng có rác mà không dọn thì ảnh hưởng đến não người. Do vậy, vấn đề trước mắt là phải thực hiện quét rác".
Bộ trưởng chỉ ra 3 bước thực hiện "dọn rác", đầu tiên, từng người tham gia mạng xã hội thì không xả rác, dọn rác của chính mình. Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ Thông tin Truyền thông soạn thảo và sẽ ban hành. Thứ hai, các nhà mạng phải có bộ lọc, để dọn rác và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này. Vấn đề thứ ba là các cơ quan của chúng ta, các bộ ngành của chúng ta cũng phải thực hiện dọn rác.
Đầu tiên phải định nghĩa rác của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là rác. Cái này phải dùng công nghệ. Bộ Thông tin Truyền thông đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và cơ bản có thể phân tích đánh giá phân loại.
Sau khi các bộ ngành xác định đây là rác thì thông báo đến Bộ Thông tin Truyền thông, vì Bộ Thông tin Truyền thông thì sẽ thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả các mạng xã hội bên ngoài. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải thực thi luật pháp Việt Nam vì Việt Nam là một nước có chủ quyền.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã mạnh tay hơn với các mạng xã hội nước ngoài. 10 tháng vừa qua, tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước đã tăng 500%. Tóm lại, chúng ta đã và đang nhìn thấy một vấn đề rất lớn mà chúng ta phải chung tay. Tôi tin rằng chúng ta đã nhìn thấy vấn đề thì chúng ta có thể giải quyết được vấn đề. Nhà mạng có công cụ để chọn lọc, chính quyền mạnh tay hơn, mạnh mẽ hơn, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì trong thời gian tới không gian mạng sẽ lành mạnh hơn.