Tại đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một điểm mới, vì vậy phải có nghị quyết của các cấp ủy Đảng.
"Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, là chương trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, là chương trình chuyển đổi số đồng thời các ngành và các địa phương. Đây là sự tiếp nối, cụ thể hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Cùng với đó, các cấp ủy, các Bộ, ngành cùng các địa phương sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số và sau đó, cấp chính quyền ban hành chương trình về chuyển đổi số. Hiện nay có gần 30 Bộ, ngành và tỉnh thành đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy nhanh chuyển đổi số thì hạ tầng số phải đi trước, đó là mỗi người dân có ít nhất 1 điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang tốc độ cao, mỗi gia đình một địa chỉ số.
"Chuyển đổi số cần đầu tư nhưng không nhiều, khoảng từ 1-1,5% ngân sách hàng năm và 10% số này là dành cho an toàn, an ninh mạng. Nền tảng số nào hiệu quả, giá thị trường bao nhiêu thì có thể tham vấn Bộ Thông tin và Truyền thông. Thuê dịch vụ, thuê hạ tầng là cách tiếp cận tốt hơn là tự đầu tư, tự vận hành khai thác".
Đối với việc triển khai, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, thay vì làm dần dần, làm từng phần thì phải làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Đây là sự khác biệt căn bản giữa cách tiếp cận CNTT và chuyển đổi số. Cách để làm nhanh là sử dụng các nền tảng số. Một nền tảng số có thể dùng chung cho cả trăm triệu người.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, không làm tuần tự mà hướng ngay đến mục tiêu 100%. Cụ thể, trong quý 1/2021, sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Về triển khai về chính quyền số, không nhất thiết phải làm xong Chính phủ điện tử mới làm Chính phủ số mà có thể triển khai ngay Chính phủ số từ năm 2021. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tư vấn về cách làm nhanh và tiết kiệm".
Cuối cùng, Bộ trưởng kết luận, lực lượng gần 60.000 doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực và sẵn sàng tham gia các chương trình chuyển đổi số. Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương chỉ cần đặt ra các bài toán các vấn đề của mình cho giới doanh nghiệp số Việt Nam, có thể trực tiếp hoặc thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các Bộ, ngành và địa phương trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của kinh tế, xã hội.