Theo Bộ trưởng, nếu như trước đây 30 năm, ICT đang là một khái niệm rất mới, còn chưa được nhắc tới nhiều thì đến nay, ICT đã khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội.
Trong năm 2018, tổng doanh thu ngành ICT đã vượt mốc 100 tỷ USD với giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD.
Dù vậy, ông lưu ý nhiều chỉ số xếp hạng về ICT của Việt Nam vẫn còn thấp, có xu thế tụt hạng: xếp thứ 108/193 chỉ số phát triển viễn thông, 88/193 về Chính phủ điện tử, 100/193 về an toàn, an ninh mạng.
"Vận hội Việt Nam đang tới. Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ như ngày nay. Cũng chưa bao giờ ngành công nghiệp ICT Việt Nam có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa như ngày nay", Bộ trưởng nói.
Trong cuộc gặp đầu năm với Bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT.
Theo đó, đất nước phải xây dựng được nền công nghiệp ICT vững mạnh, đi tiên phong trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hóa, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G…, phấn đấu để Việt Nam trở thành một cường quốc về ICT, về công nghiệp CNTT, về điện tử viễn thông, về an ninh mạng, trước mắt nằm trong top 50.
Để làm được điều này, Bộ trưởng cho biết các Hiệp hội và doanh nghiệp ICT phải là những người đi đầu và tiên phong trong hoạt động đổi mới, sáng tạo.
"Tôi đề nghị hiệp hội và các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, chúng ta sẽ không chỉ tiêu dùng sản phẩm công nghệ nước ngoài, không chỉ lắp ráp, gia công, mà chúng ta phải làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam, tạo ra công nghệ Việt Nam. 'Make In Vietnam' sẽ là chiến lược mới của chúng ta", Bộ trưởng nói.
Ông nhấn mạnh ngành ICT là một ngành lớn và quan trọng đối với đất nước. Trong cách mạng số thì ICT càng quan trọng vì đóng vai trò nền tảng.
"Đất nước Việt Nam muốn sánh vai cường quốc, muốn hoá Rồng thì phải bằng công nghệ. Dùng công nghệ để giải các bài toán Việt Nam, các vấn đề Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Sứ mạng của công nghệ, của ICT đối với sự hưng thịnh của đất nước lúc này rõ hơn bao giờ hết", Bộ trưởng khẳng định.
Theo ông, để tạo ra một quốc gia hùng cường về ICT, Việt Nam cần phải phát triển các doanh nghiệp công nghệ đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao trong ICT. Điều này, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp phải nhận thức sứ mạng của mình là phát triển ngành ICT Việt Nam, là đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ICT.
"Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.