Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TTTT là bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, CNTT (còn gọi là ICT). Sứ mạng của nó là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT là nền tảng của kinh tế số, xã hội số và Cách mạng Công nghệ 4.0.
Bộ TTTT cũng là bộ quản lý nhà nước về báo chí, về thông tin tuyên truyền. Sứ mạng của nó là báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.
"Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, làm cho Việt Nam ổn định", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mọi chính sách, mọi cố gắng của ngành TTTT nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của 6 lĩnh vực: Bưu chính; Viễn thông; CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghệ ICT và Thông tin tuyên truyền.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra nhiều nhiệm vụ mới của ngành TTTT trong năm 2019. Ảnh: Trọng Đạt
Báo chí không được bỏ trống trận địa
Bộ trưởng cho rằng, người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách. Chính vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều. Vậy nên, ý thức trách nhiệm của người làm báo càng phải cao. Phóng viên phải thấy trách nhiệm này để không dễ dãi với các bài viết của mình.
"Hãy giữ lấy danh dự người làm báo, giữ lấy niềm tin của xã hội vào báo chí", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, muốn quản lý được báo chí, điều đầu tiên phải nhìn thấy toàn bộ bức tranh hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày trên không gian mạng. Phải giám sát được, đo lường được, phân tích và dự báo được các xu thế, phát hiện sai phạm để nhắc nhở. Các đơn vị, cá nhân sai phạm có hệ thống thì phải xử lý nghiêm minh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nhiều báo hiện nay không nhận được hỗ trợ tài chính của nhà nước, tự bươn chải trên thị trường, trong khi thị trường quảng cáo bị chia sẻ gần 40% với mạng xã hội (MXH), và con số này có xu thế ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, Bộ TTTT cần sớm hoàn thiện cơ chế, đặt hàng báo chí, đề xuất cơ chế thuế, cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi cho báo chí phát triển.
Bộ trưởng nói, báo chí không được bỏ trống trận địa, tận dụng lợi thế của MXH để thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với MXH. Thay vì đưa nội dung của báo mình lên MXH của người khác thì mỗi báo phải là một MXH thu nhỏ. Xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trên MXH, ban hành quy định pháp luật về tin sai (fake news).
"Năm 2019, phải thực hiện quy hoạch báo chí. Sơ kết thực hiện Luật Báo chí và lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Nghiên cứu, đánh giá mô hình trung tâm/tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số địa phương. Giải quyết tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, giải quyết nạn phóng viên làm tiền doanh nghiệp", Bộ trưởng cho hay.