Đầu năm 2017, Bộ Thông tin Truyền thông đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc.
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo; là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube.
Trong hai năm trở lại đây, Google đã hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, tình trạng này gần đây lại xuất hiện, mức độ nghiêm trọng hơn, phạm vi mở rộng hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới chiều 25/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Gần đây, chúng ta nghe rất nhiều về kinh tế số. Nhiều nước đã thiết lập một bộ mới, gọi là bộ kinh tế số, nhiều nước thì đổi tên Bộ Thông tin truyền thông thành Bộ Kinh tế số, như Thái Lan. Các quốc gia G20 thì giao cho các bộ ban ngành: 60% giao cho cho Bộ Thông tin truyền thông, 20% giao cho Bộ Thương mại, 20% còn lại giao cho Bộ Khoa học công nghệ. Nếu Việt Nam làm theo hướng của G20 thì Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số.
Nền tảng nội dung số Việt Nam, trong một giai đoạn khá dài không được nhắc đến nhiều, nhưng trong thời gian gần đây thì rất được quan tâm. Thậm chí Bộ thông tin truyền thông đã thành lập một bộ phận chuyên về phát triển nền tảng xã hội số Việt Nam.
Bất kỳ một quốc gia nào khi phát triển cũng phải đi hai chân. Có câu chuyện toàn cầu, có câu chuyện địa phương. Có câu chuyện nền tảng xuyên biên giới nhưng cũng có câu chuyện nền tảng địa phương. Có những nội dung, có những ứng dụng mà chỉ có thể do những nền tảng địa phương thực hiện. Những nền tảng địa phương này có thể sẽ đi ra toàn cầu được, nhưng bất kỳ một sự phát triển nào cũng cần phải cân bằng được hai yếu tố này.
Vấn đề hôm nay chúng ta đặt ra là vấn đề được xã hội quan tâm rất sâu sắc. Loài người đang chứng kiến sự chuyển đổi vĩ đại trong suốt hàng chục nghìn năm lịch sử, đó là chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới ảo, có người gọi là thế giới số, không gian mạng.
Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về vấn đề hiện nay, những gì đang diễn ra là cuộc sống đi vào thế giới ảo nhanh hơn, nhưng pháp luật lại đi chậm hơn. Văn minh trên không gian mạng mới chỉ bắt đầu. Chúng ta đang có độ trễ, thiếu sự song hành giữa cuộc sống, luật pháp và văn minh trên không gian mạng, chính vì thế nảy sinh rất nhiều nguy cơ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Chúng ta cùng sống, cùng thở trên không gian này nên việc giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là việc của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta. Nên đây là việc trong nhà".
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, một doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài ở đâu thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội, đất nước đó. Không thể có chuyện doanh nghiệp thịnh vượng mà nhà nước lụi bại, vì đất nước chính là mảnh đất nuôi sống doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật nước sở tại.
Đặc biệt là những người đã đưa doanh nghiệp của mình ra nước ngoài, sẽ là những người hiểu sâu sắc nhất việc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Đó là điều kiện tiên quyết nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào ra nước ngoài, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng và hòa bình. Không gian ảo cũng như đời thực, đều phải làm sao cho nhà mình sạch, lành mạnh. Đó là câu chuyện mà chúng ta cần chung tay để thực hiện.