Theo dự báo hồi tháng 11 năm 2018 của Diễn đàn kinh tế Thế giới, trong vòng 10 năm tới sẽ có tới 7,5 triệu người, tương đương 13,8% lao động Việt Nam mất việc vì công nghệ tự động hóa. Điều này đã khiến không ít người lo lắng về nguy cơ thất nghiệp trong tương lai, nhất là khi Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số, mà phần lớn lao động Việt Nam lại hoạt động trong lĩnh vực rất dễ bị thay thế bởi máy móc.
Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có cái nhìn rất lạc quan về vấn đề này. Chuyển đối số đã xảy ra trước đó nhưng khi Cách mạng 4.0 đến tạo ra điểm gãy nền kinh tế phát triển ở mức độ cao, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
"Chúng ta đang nhìn Cách mạng 4.0 theo hướng quá phức tạp. Tất cả các cuộc cách mạng thì con người đều sẽ vượt qua nếu như xã hội này còn tồn tại. Và mãi mãi những việc còn lại mà con người phải làm là vô hạn, vì thế đừng bao giờ lo đến chuyện mất việc làm", ông Hùng nhận xét.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một ví dụ rất hình tượng: "Rất nhiều người đang lo lắng về việc mất việc làm. Tôi có một ví dụ: Những gì ở dưới mặt bàn này là những gì máy móc làm được, ví dụ như là giặt quần áo, nấu cơm, đọc sách đọc báo thì máy móc làm hộ. Còn từ mặt bàn này lên trên kia, là vô hạn, là công việc của con người".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ phải qua). Ảnh: Tuấn Mark
Giải pháp để thích nghi với sự phát triển của nền kinh tế số, ông Hùng chỉ rõ 4 mục tiêu quan trọng cần phải đạt được. Thứ nhất là phải xây dựng hạ tầng Công nghệ thông tin và truyền thông, quan trọng là phát triển mạng viễn thông tốc độ cao, băng thông rộng, và thể hiện của nó là ở việc mỗi người dân Việt Nam có một chiếc smartphone. Khi người Việt có smartphone thì công nghệ số, kinh tế số mới đi được vào mọi ngõ ngách của xã hội.
Thứ hai là chính sách, cần tạo điều kiện cho cái mới phát triển, thúc đẩy cái mới, những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới.
Yếu tố quan trọng thứ ba là phải tạo ra thị trường cho nền kinh tế số, cho các doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số. Chính phủ phải là bộ phận tiêu dùng lớn nhất, nhiều tiền nhất, chi tiêu nhiều hơn vào các sản phẩm số, đi đầu từ chính phủ đến trung ương, địa phương, để tạo ra thị trường về kinh tế số.
Thứ tư là nguồn nhân lực, việc đưa tiếng Anh và IT vào đào tạo bắt buộc là câu chuyện lâu dài. Cái trước mắt các trường đại học và cao đẳng cần phải đẩy nhanh đào tạo lại và đào tạo tăng thêm cho lực lượng lao động đã tồn tại để giải quyết bài toán quan trọng về nguồn nhân lực của nền kinh tế số.
Riêng về đào tạo, chúng ta rất khó để có thể dự đoán được tương lai. Chỉ sau 5 năm là một ngành đang hot có thể sẽ bị bão hòa rất nhanh chóng, nên quan trọng nhất là quá trình đào tạo lại, "reskill" và "upskill". Các trường trung cấp, cao đẳng đại học cần chuyển đổi để toàn bộ lực lượng lao động phổ thông có thể tham gia ngay vào bức tranh kinh tế số.
Việt Nam vẫn có những cơ hội để giải quyết vấn đề ngày thông qua nông nghiệp công nghệ cao. Lĩnh vực du lịch cũng đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, nhất là lao động trẻ. Quan trọng là Việt Nam có sẵn sàng tái đào tạo để chuyển những người lao động giản đơn trong nhà máy có được công ăn việc làm mới và thu nhập tốt hơn hay không?