Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược được, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết đây là cơ hội giúp Việt Nam hiện thực hoá khát vọng của mình.
Tuy nhiên, kinh tế số là một quá trình tiến hoá lâu dài, chuyển đổi số trên bình diện quốc gia ở những mức độ khác nhau trong các lĩnh vực. Ở đó, theo ông Hùng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể ứng dụng nó để làm tốt hơn các công việc của mình, thậm chí là có sự thay đổi đột phá.
Kinh tế số giúp tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nhiều vấn đề tồn đọng của nền kinh tế, xã hội cũng sẽ được giải quyết nhờ các giải pháp công nghệ.
Công nghệ số ở Việt Nam xuất hiện từ những năn 1980 khi máy tính xuất hiện. Cho đến nay, kinh tế số ở Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh, cho dù cơ bản là tự phát triển, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Điều này có được nhờ dân số trẻ, đam mê công nghệ, được đào tạo tốt...
"Giờ là lúc cần sự dẫn dắt của Chính phủ, phải có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số", ông Hùng nói và lưu ý rằng: "Trong ASEAN, Việt Nam là nước đi chậm nhất về kinh tế số".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Thủ tướng đã giao Bộ TTTT xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia và trình Thủ tướng ban hành trong năm 2019.
Một vấn đề khác được ông Hùng lưu ý là công nghệ số sẽ sinh ra những hình thức kinh doanh mới, thách thức, thay thế cái cũ. Vấn đề của Chính phủ, theo ông Hùng, là có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới này không, nếu chấp nhận nhưng là người sau cùng chấp nhận thì không có giá trị gì nhiều.
"Vì vậy, có người nói rằng số hoá nền kinh tế là cuộc cách mạng chính sách nhiều hơn công nghệ. Đầu tiên là chấp nhận mô hình kinh doanh mới, làm thay đổi căn bản nhiều ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ", Bộ trưởng Hùng nhận định.
Tuy nhiên, ông lưu ý, việc chấp nhận phải thật sớm, thậm chí là sớm nhất, vì nếu đi sau hoặc đi cùng người khác thì cơ hội thay đổi thứ hạng cho đất nước là không có. Việc chấp nhận này có thể khiến Việt Nam mất đi một số thứ. Tuy nhiên, vì Việt Nam không có quá nhiều điều để mất nên đây là cơ hội.
Cách tiếp cận chính sách theo đó cần thay đổi, theo Bộ trưởng Hùng. Ở thời 4.0, ông cho rằng không thể tư duy kiểu "quản được thì mở, quản đến đâu mở đến đó" mà phải "cái gì không biết quản thì cho phát triển nhưng trong không gian, thời gian nhất định, đợi khi bộc lộ rõ mới hình thành chính sách".
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông, phát triển 5G, giải quyết bài toán nhân lực để có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số một cách toàn diện.