Đây là một ý nghĩa của tuyên bố "Make in Vietnam", bên cạnh việc người Việt phải sáng tạo, thiết kế, làm ra những sản phẩm công nghệ.
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, sáng 9/5.
"Cuộc cách mạng lần thứ 4 sẽ tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông nhấn mạnh.
Theo đó, công nghệ giải những bài toán Việt Nam. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.
"Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta", Bộ trưởng nói và giải thích nó hàm nghĩa người Việt Nam sẽ phải làm chủ công nghệ. Bởi nếu chỉ lắp ráp, gia công, đất nước sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và bẫy thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, Make in Vietnam cũng là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng công nghệ của nhân loại thì cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.
"Make in Vietnam còn giúp cho Việt Nam có hoà bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng quốc phòng", ông Hùng nói.
"Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sử trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự?".
Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ với con số hướng đến 100.000 vào năm 2030. Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng nhất là phải tạo ra thị trường, trong đó, Chính phủ là hộ chi tiêu quan trọng nhất.
"Nếu chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ", ông nói.
Đối với nhân lực, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng một nửa số dân trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi sẽ là "cú huých" thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật, là tiền đề quan trọng trong phát triển doanh nghiệp công nghệ. Ngoài ra, ông cũng nhắc đến tiềm năng từ những người Việt đã thành danh ở nước ngoài.
Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc hãy kết nối Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. "Nhân tài có tính toàn cầu", ông nhấn mạnh và cho biết Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài hội tụ.
Bộ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong các lĩnh vực khác, chuyển sang đầu tư công nghệ, với vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất.
"Đây không chỉ là lời kêu gọi mà đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này. Chúng ta đã từng nghe một số công ty dịch vụ của Việt Nam tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghiệp, công nghệ và dịch vụ, như Viettel, Vingroup... Nhiều quốc gia đã hoá rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn", ông cho biết.
Đối với cộng đồng startup, ông cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến để có thể tạo ra được môi trường tốt nhất cho cộng đồng này phát triển.
Mặt khác, Việt Nam theo Bộ trưởng, cũng cần một quỹ để phát triển công nghệ Việt Nam. "của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu", ông nói và cho biết Việt Nam cường thịnh là khát vọng toàn dân và Quỹ phát triển công nghệ Việt Nam là để hiện thực hoá khát vọng đó. Mô hình vận hành quĩ thì có thể học tập từ một số quốc gia khác đã thành công với quĩ này.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng ICT nên được áp dụng đầu tiên vào giáo dục, bởi đây là sự đòi hỏi cho một công cuộc chuyển đổi số kéo dài trong nhiều trăm năm sau.