Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 sáng nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam đã có cơ hội trở thành một trong những nước đầu tiên áp dụng mobile money trong thanh toán, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội trong năm vừa qua do chưa được cấp phép.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động thì đạt trên 100%. Ở Việt Nam, trên 90% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
"Câu chuyện ở đây là, công nghệ có thể giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận đổi mới", vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, nhiều người dân đã bị gạt ra khỏi hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu vùng xa. Theo đó, Mobile money sẽ là giải pháp để tiếp cận với các dịch vụ và trả phí trên nền tảng Internet, như Y tế, Giáo dục, Tài chính, An sinh xã hội,…
Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Mobile Money sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất, được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chúng ta kỳ vọng, Mobile Money sẽ góp phần làm bùng nổ các Startup ở Việt Nam.
Không chỉ kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số, Mobile Money còn thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Ví dụ tại Kenya, sau 3 năm triển khai Mobile Money, tỷ lệ sử dụng ngân hàng tăng 19% nhờ vào sự phát triển của các dịch vụ Mobile Money. Mobile Money với giá trị giao dịch nhỏ chính là đào tạo người dân trở thành khách hàng của ngân hàng, và do vậy, ngân hàng không cần phải quá lo lắng về Mobile Money.
Ông Hùng nói: "Rất nhiều người dân, doanh nghiệp đang mong đợi chúng ta cho phép thử nghiệm Mobile Money. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin truyền thông sẽ phải tích cực nhiều hơn nữa để Mobile Money được phép thử nghiệm tại Việt Nam vào đầu năm 2020".
Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số. Đây là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện. Bên cạnh việc đầu tư, đi trước nền tảng hạ tầng số, an ninh mạng, nghiên cứu phát triển đổ mới sáng tạo,…một số ngành sẽ được ưu tiên chuyển đổi trước, trong đó có ngành ngân hàng.
Ngành ngân hàng là ngành biến đổi 4.0 sâu sắc nhất. Bởi ngân hàng là ngành mang tính toàn cầu cao, không thể đi sau. Bởi ngân hàng là nền tảng thúc đẩy kinh tế số. Ngân hàng cũng là ngành có tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ tốt để đi đầu về chuyển đổi số.
Và do vậy, ngành ngân hàng nên nhận thêm về phía mình một sứ mạng mới, sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số.