Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Khách nội địa vẫn là chủ đạo

17/02/2021 10:12
Du lịch Việt Nam năm thứ hai liên tiếp phải ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi với Tiền Phong về chiến lược phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng đánh giá ra sao về thành quả của ngành du lịch? Kết quả đó đáp ứng bao nhiêu phần trăm kỳ vọng của ngành?

Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngành Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật và đột phá. Kết quả giai đoạn 2016-2019 nhìn chung vượt xa mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 (phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam đón 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47-48 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 6,5-7% GDP).

Có thể thấy khách du lịch quốc tế tăng 1,8 lần từ 10 triệu lượt (năm 2016) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trung bình 21,6%/năm. Năm 2019, Việt Nam đón lượng khách quốc tế vượt qua Indonesia vươn lên vị trí thứ 4 Đông Nam Á. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến cao nhất thế giới. Đóng góp trực tiếp của ngành vào GDP tăng từ 6,96% lên 9,2%, ngành cũng tạo khoảng 3 triệu việc làm, trong đó có gần 1 triệu việc làm trực tiếp.

Năm 2020, mục tiêu ngành du lịch dự kiến đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, thực hiện thắng lợi và vượt mức các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW. Tuy nhiên, đại dịch tác động tiêu cực đến du lịch toàn cầu nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng. Thực tế ngành du lịch kịp thời chuyển hướng khai thác từ thị trường quốc tế sang nội địa, phát động các chương trình kích cầu du lịch nội địa có hiệu quả, vì vậy đã góp phần giảm thiểu các thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Chuỗi giải pháp ứng phó đại dịch của ngành trong năm 2020 có làm giảm tổn thất của du lịch?

Dịch COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình trên 22,7%/năm giai đoạn 2016-2019 của du lịch Việt Nam. Năm ngoái, ngành đã nỗ lực vượt khó để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ triển khai mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch vừa chủ động cấu trúc lại thị trường khách du lịch, qua đó góp phần phục hồi hoạt động toàn ngành, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trở lại sau dịch.

Bộ VHTTDL tích cực phối hợp cùng các bộ, ban ngành có liên quan, nhanh chóng đưa ra các chỉ đạo kịp thời, khôi phục hoạt động du lịch trong thời gian ngắn: Kịp thời kiến nghị Chính phủ các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, trong đó có việc ban hành Bộ tiêu chí đảm bảo an toàn COVID-19 trong kinh doanh tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Một số kiến nghị được Chính phủ đồng ý và có giải pháp như giảm giá điện áp dụng đối với các cơ sở lưu trú; giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch, giảm một số phí, lệ phí.

Bộ cũng phát động hai chương trình kích cầu du lịch nội địa chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” sau mỗi đợt dịch được kiểm soát ở trong nước, góp phần phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ định hướng toàn ngành chuyển đổi khai thác từ thị trường quốc tế sang nội địa, xây dựng sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, phù hợp nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới, mở ra hướng phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Khách nội địa vẫn là chủ đạo - Ảnh 1.

Khách du lịch nội địa vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: KỲ SƠN

 

Ngay khi dịch mới bùng nổ, các chuyên gia nhận định du lịch nội địa là cứu cánh của ngành. Quan điểm của bộ về xu hướng này ra sao?

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, vì vậy thị trường nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo trong ngắn hạn. Trong năm nay, Bộ tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục triển khai hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình trước đó; lấy du lịch nội địa làm nội lực duy trì hoạt động của ngành, chú trọng phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương- doanh nghiệp - truyền thông; đẩy mạnh hợp tác công - tư. Tập trung xúc tiến quảng bá các địa phương, điểm đến mới đang có dư địa phát triển, có sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó làm động lực lan tỏa ra các khu vực, địa phương khác.

Bộ sẽ triển khai rõ nét hơn Kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới; Tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh ngành du lịch sau đại dịch. Truyền thông, quảng bá xúc tiến chuyển sang đẩy mạnh qua mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến thay vì cách thức truyền thống. Ngoài ra, ngành cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn đối với khách du lịch, bảo vệ môi trường tại các điểm đến du lịch.

Du lịch nội địa là hướng khai thác chủ đạo trong ngắn hạn tuy nhiên ở tầm nhìn xa hơn, du lịch không thể chỉ trông chờ lượng khách trong nước. Bộ chuẩn bị chiến lược dài hơi hơn ra sao?

Trước hết Bộ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh để tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch cũng nằm trong dự tính của ngành.

Bộ VHTTDL tập trung hiện thực hóa một loạt đề án được Chính phủ phê duyệt: Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Đề án nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bộ sẽ xây dựng và triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển.

Ngành cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kịp thời khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu.

Cảm ơn Bộ trưởng.

Năm 2020, du khách đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt (trong đó riêng tháng 1, trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đạt kỷ lục 2 triệu lượt), giảm 80% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% (tương đương 19 tỷ USD).

Tin mới

Yamaha Fazzio Blue Core Hybrid ra mắt: 'Cứu tinh' cho dân văn phòng mùa xăng tăng giá!
32 phút trước
Mẫu xe tay ga cỡ nhỏ, vốn đã quen thuộc tại thị trường Đông Nam Á này nay đã được trang bị công nghệ hybrid tiên tiến, hứa hẹn mang đến hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu ấn tượng hơn, đáp ứng xu hướng ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường.
Mẫu di động gập 'tốt nhất thị trường' đang cho đặt trước, nhận quà đặc quyền trị giá 15 triệu tại TGDĐ
28 phút trước
Đến 11/4, khách hàng đặt trước OPPO Find N5 tại Thế Giới Di Động vừa có cơ hội sở hữu sớm siêu phẩm này, vừa được tặng thêm bảo hành mở rộng, bảo hiểm rơi vỡ màn hình, hỗ trợ lên đời và loạt dịch vụ riêng biệt, tổng trị giá 15 triệu đồng.
G7 hợp tác công ty của ông Phạm Nhật Vượng mua 899 xe điện VinFast, dự kiến 'xanh hóa' toàn bộ đội xe 4.000 chiếc
42 phút trước
G7 ký kết hợp tác với Xanh SM để chuyển đổi gần 4.000 xe sang xe điện với lô xe đầu tiên là 899 xe điện VinFast.
Vingroup muốn làm dự án điện gió 4,5 tỷ USD ở Trà Vinh
6 phút trước
Sau khi hoàn thành, dự án mang lại nguồn thu khoảng 700 – 800 triệu USD/năm.
Giá xăng giảm mạnh gần 2.000 đồng/lít, xuống mức thấp nhất gần 4 năm
20 phút trước
Tại kỳ điều chỉnh hôm nay (10/4), giá xăng giảm mạnh 1.490 - 1.710 đồng/lít.

Tin cùng chuyên mục

Tổng thống Trump nói Apple có thể tự sản xuất iPhone tại Mỹ, chuyên gia nói giá sẽ gấp gần 3 lần hiện tại
19 giờ trước
Tuy nhiên, quá trình này sẽ phức tạp đến mức hầu hết các chuyên gia đều cho rằng bất khả thi.
Ford Territory giảm 70 triệu đồng tại đại lý: Xe sản xuất 2025 nhưng giá rẻ hơn Mazda CX-5 2024
20 giờ trước
Nhiều đại lý Ford đang giảm giá 70 triệu đồng đối với Ford Territory mọi phiên bản.
Hyundai Tucson bản đắt nhất giảm giá đến 80 triệu tại đại lý: Giá sau giảm còn 909 triệu đồng, vẫn cao hơn Territory bản tương đương
1 ngày trước
Vẫn như phần lớn các mẫu xe đang được "dọn kho" khác, những chiếc Hyundai Tucson giảm giá mạnh có năm sản xuất 2024.
Ford Territory 2025 lần đầu lộ diện trên đường tại Việt Nam: Thiết kế đầu, mâm mới, kính hông có điểm khác biệt, sớm ra mắt đấu CX-5
1 ngày trước
Đến thời điểm hiện tại, phía Ford Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào về kế hoạch ra mắt Territory bản facelift. Tuy nhiên, với chiếc xe đã lăn bánh trên đường, có thể trông đợi mẫu xe này sẽ được giới thiệu sớm.