Trả lời chất vấn tại Nghị trường chiều 30/10 về phát triển ngành công nghiệp dược, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn ra con số 5 tỷ USD tổng chi về thuốc, theo thống kê năm 2017 như minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, ngành dược Việt Nam được xếp hạng 2,5/4 theo thứ bậc quốc tế. Hiện Việt Nam đã đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc trong nước và có một số sản phẩm có khả năng xuất khẩu, kể cả kháng sinh.
"Nổi tiếng nhất là thuốc sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng", Bộ trưởng Tiến nói. Bà cũng cho biết Việt Nam đã sản xuất được 11/12 loại vaccin. "Trong đó, vaccin Sởi – Rubella được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên xuất khẩu", bà nói. Vaccin này đã được công nhận quốc tế về quản lý sản xuất vaccin.
"Trong những ngày gần đây, chúng tôi có tin vui là Việt Nam đã sản xuất thành công và sẽ cấp phép lưu hành vacci chống bệnh cúm mùa", Bộ trưởng Y tế cho biết thêm.
Việt Nam trong Luật Dược cũng nhưng Nghị quyết của Trung ương có đưa ra mục tiêu muốn phát triển ngành công nghiệp này trở thành mũi nhọn. "Năm 2020, chúng tôi phấn đấu cung cấp được 80% nhu cầu thuốc trong nước", Bộ trưởng nói.
Theo bà, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị phát triển phong trào người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, từ đó nâng cao được tỷ lệ sử dụng thuốc nội. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược phát triển, Bộ Y tế cũng đã có nhiều động thái cải thiện môi trường kinh doanh như cắt giảm giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính... Không chỉ khuyến khích doanh nghiệp nội, Bộ Y tế còn ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường dược trong nước.
Về mặt hạn chế, Bộ trưởng Tiến đề cập đến việc sản phẩm còn đơn giản về dạng bào chế, chưa sản xuất được nhiều biệt dược, khâu tiếp thị và khoa học quản trị còn yếu so với nước ngoài. Theo đó, Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ đưa ra nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đoàn Hà Nội có tranh luận với Bộ trưởng Kim Tiến. Theo ông, công nghiệp dược là thế mạnh của Việt Nam, hoàn toàn có thể xây dựng, phát triển thành ngành kinh tế quan trọng vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Mấy chục năm trước, chúng ta có thời gian cân bằng được kim ngạch xuất khẩu về thuốc", ông Hưng dẫn chứng.
Bên cạnh đó, vị đại biểu này còn đề cập đến những ngành con trong công nghiệp y tế như du lịch chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Bởi theo thống kê, người Việt mỗi năm tiêu tốn đến 2 tỷ USD ở nước ngoài để chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh, trong khi đó, số khách du lịch vào Việt Nam theo lĩnh vực này còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng khuyến nghị Bộ Y tế và Bộ VHTT&DL cần bắt tay nhau để phát triển "mỏ vàng này".