Hấp dẫn du khách bằng chính sách miễn thị thực
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sáng 21/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Nguyễn Văn Hùng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “đi trước, về sau” trong phục hồi du lịch quốc tế , dù mở cửa rất sớm.
Theo ông Hùng, việc cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế ngày càng lớn giữa các quốc gia trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế, như Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.
Bên cạnh đó, thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Đơn cử, Thái Lan triển khai chương trình mở cửa thị thực Du lịch, dành cho khách lưu trú dài ngày, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày…
Với Việt Nam, Bộ trưởng Hùng cho biết, chưa có chính sách đặc thù cho bối cảnh mới với yêu cầu cấp thiết của việc thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch hậu COVID-19.
“Thời hạn miễn thị thực 15 ngày của Việt Nam rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần”, ông Hùng nêu.
Tăng thời gian lưu trú, cấp thị thực tại cửa khẩu
Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, cần thực hiện nhiều chính sách thông thoáng hơn như, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày ; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.
Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL cũng đề nghị mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam. Nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển; cải thiện dịch vụ vận tải nói chung. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong xúc tiến quảng bá du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Về dịch vụ, ông Hùng đề nghị đề nghị tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như, du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng… Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL đề nghị kéo dài chính sách giảm giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất đến hết năm 2022. Từ năm 2023 trở đi, điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.