Trong năm 2023, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM ) đã thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng, thông báo, điều hành bay, bảo đảm an toàn cho các chuyến bay đi/đến và bay qua vùng trời trách nhiệm.
VATM đã triển khai kịp thời, chính xác 10.526 phép bay đột xuất tới các cơ quan và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; Điều hành 310 lần chuyến bay chuyên cơ trong nước và quốc tế, 107 chuyến bay cứu thương.
Trong quản lý luồng không lưu, doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch thử nghiệm phối hợp ra quyết định tại sân bay (ACDM) tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, áp dụng quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi để hạn chế tình trạng bay chờ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Công Long, Quyền Tổng Giám đốc VATM cho biết: "VATM đã triển khai thử nghiệm khai thác công tác quản lý luồng không lưu (ATFM) cho các sân bay của Việt Nam".
"Đây là bước quan trọng để chuẩn bị áp dụng ATFM đa điểm nút mức 3 tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất", ông Long cho biết.
Theo ông Long, các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không, công tác khí tượng hàng không, bảo đảm an toàn, an ninh và tìm kiếm cứu nạn đều đạt được kết quả tích cực.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, sản lượng điều hành bay ước đạt hơn 750 nghìn chuyến, bằng 114,55% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu ước đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 38,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế tăng hơn 154% so với năm 2023, ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Năm 2024, VATM đặt mục tiêu có tổng sản lượng điều hành bay đạt gần 790 nghìn chuyến, tổng doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.108 tỷ đồng.
Đánh giá về hoạt động của VATM , Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng còn những tồn tại, hạn chế mà VATM cần tập trung giải quyết.
Cụ thể, một số dự án còn dang dở, chưa giải quyết dứt điểm; Công tác đầu tư xây dựng có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm so với kế hoạch được duyệt; Giải ngân chưa đạt kế hoạch; Công tác quản lý tài sản, đất đai đã triển khai nhưng còn một số tồn tại.
Đối với hoạt động năm 2024, Bộ trưởng Thắng đề nghị VATM thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì sự ổn định, tăng cường đoàn kết, thống nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác cung cấp dịch vụ, phối hợp cùng lực lượng phòng không, không quân tham gia bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển đảo việc bảo đảm điều hành an toàn các chuyến bay chuyên cơ.
"Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn bay, sẵn sàng ứng phó và giải quyết tốt nhất những tình huống phát sinh", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện rà soát hệ thống trang thiết bị và xây dựng kế hoạch ưu tiên tập trung đầu tư cho các dự án về trang thiết bị. Các trang thiết bị phải hiện đại nhất có thể, có tính bảo mật cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải quản lý và điều hành tốt Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và quản lý sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Nhà nước; Phải có nhiều giải pháp cụ thể để bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án quan trọng của ngành hàng không.
Đối với dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Thắng yêu cầu VATM tập trung rà soát tiến độ các hạng mục, khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công lắp đặt phần thiết bị và thi công các hạng mục đảm bảo chất lượng, tiến độ, phối hợp chặt chẽ với ACV để kết nối đồng bộ cả về xây dựng và công nghệ thiết bị.
Với Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh, đánh giá đây là công trình quan trọng, cấp bách, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị doanh nghiệp tập trung giải quyết các vướng mắc để triển khai xây dựng.