Hiện nay có điều kiện về công nghệ thông tin, toàn bộ dữ liệu có thể lưu trữ dễ dàng, nên việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản là hợp lý.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Thể , Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều 31/5.
Phải cụ thể mới dễ đi vào cuộc sống
Đánh giá đây là dự án luật quan trọng được xã hội rất quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng luật phải cụ thể để dễ đi vào cuộc sống.
Thể hiện sự đồng tình với các ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản, Bộ trưởng nói: "hiện nay có điều kiện về công nghệ thông tin, toàn bộ dữ liệu có thể lưu trữ dễ dàng, nên việc mở rộng đối tượng kê khai là hợp lý. Ta phải theo dõi cán bộ ngay từ khi cán bộ bước vào cơ quan Nhà nước, nếu có dữ liệu về việc này thì công tác phòng chống tham nhũng những năm sau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ giám sát được những cán bộ có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận về tài sản bất minh".
Theo Bộ trưởng, ngoài cán bộ công chức, viên chức thì cán bộ thuộc doanh nghiệp nhà nước, những cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước, hưởng lương nhà nước và quản lý tài sản Nhà nước cũng phải kê khai để đảm bảo hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận xét, việc kiểm tra bản kê khai tài sản hiện nay chưa chặt chẽ. Theo ông, nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì xử lý theo pháp luật, còn khi chưa phát hiện hành vi vi phạm thì phải ứng xử với tài sản đó như tài sản của một công dân bình thường. Với những tài sản lớn bất thường thì tiếp tục kiểm tra làm rõ.
Tại sao tăng đột biến 300 triệu mới xác minh?
Đó là băn khoăn của đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo về phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản gắn với các giải pháp xử lý, xác minh, thẩm tra bản kê khai được đại biểu Tùng nhìn nhận là hợp lý.
Bởi phương án này có ưu điểm như: cách thức xử lý bản kê khai và tài sản kê khai có sự phân tầng, tức đối với mọi cán bộ công chức và viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu. Nhưng việc kê khai này chỉ phục vụ mục đích làm cơ sở dữ liệu, khi tài sản có sự tăng lên đột biến (từ 300 triệu trở lên) hoặc khi có đơn thư khiếu nại tố cáo thì mới tiến hành xác minh, chứ không phải tất cả mọi đối tượng kê khai đều xử lý như nhau.
Song, điều ông Tùng băn khoăn nằm ở ngưỡng 300 triệu đồng trở lên thì mới tiến hành xác minh, kiểm tra bản kê khai tài sản. "Căn cứ vào đâu đưa ra ngưỡng 300 triệu đồng như vậy. 300 triệu đồng đối với thu nhập của cán bộ công chức là rất lớn. Nếu tính lương của cán bộ công chức khoảng 10-12 triệu đồng/ tháng đi nữa thì 300 triệu đồng vẫn là một khoản thu nhập cực kỳ lớn. Tại sao không quy định là 50 triệu mà lại là 300 triệu, tôi thấy Chính phủ giải trình chưa thuyết phục, cần làm rõ hơn", ông Tùng góp ý.
Cũng còn nhiều băn khoăn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận xét, dự thảo luật vẫn nặng về tìm kiếm sai phạm thông qua kê khai tài sản, xem tài sản trú ẩn ở đâu mà nhẹ về phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý.
Nhấn mạnh hiện nay thất thoát lớn nhất là khu vực công, nhất là các dự án BT, đất đai, ngân hàng... Tổng Kiểm toán cho rằng dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng phải làm thế nào để bịt được dòng thất thoát đó.
Ông Phớc cũng góp ý cụ thể về quy định tặng quà và nhận quà tặng tại điều 22 dự thảo luật.
Khoản 1 điều này quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
"Thế thì tết nhất ốm đau rồi ngày lễ trọng, họ đưa quà trong mức tình cảm thì có là vi phạm không, nên quy định cụ thể về mức quà bao nhiêu thì được nhận", ông Phớc góp ý.
Tổng Kiểm toán kể: "Tôi có lần tặng quà người nước ngoài, tôi mua một bình hoa thôi, người được nhận quà nói giá trị các này vượt quá mức tôi được nhận, nên ông tặng thì đưa vào của chung. Họ quy định dưới 100-200 USD thôi, ngoài phạm vi ấy thì bản thân không được nhận, phải báo cáo cơ quan, tổ chức".