Dịch tả lợn châu Phi (AFS) đã xảy ra tại 2.904 xã, 265 huyện của 42 tỉnh thành, tổng đàn lợn bị bệnh bắt buộc tiêu huỷ là 1.710.026 con, chiếm hơn 5% tổng đàn lợn cả nước.
Tại các tỉnh phía Nam, AFS xuất hiện đầu tiên tại Hậu Giang và đến nay đã lây lan ra 16 huyện 29 xã của 8 tỉnh, thành Miền Đông và Tây Nam Bộ, với số lượng lợn đã tiêu hủy 4.840 con.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, con đường lây lan của loại dịch bệnh này diễn ra rất phức tạp, đối với các tỉnh ĐBSCL có đặc thù là vùng sông nước nên tốc độ lan truyền rất nhanh. Với điều kiện thời tiết và nguồn bệnh diễn ra như hiện nay, tình hình dịch này còn diễn biến phức tạp, nếu không khống chế tốt, e rằng toàn bộ số địa phương còn lại sẽ mắc bệnh.
Chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới các địa phương như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Các tỉnh miền Tây Nam Bộ điều kiện chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ còn rất nhiều, lại là vùng đất thấp và đang vào mùa mưa, đây là những điều kiện rất lý tưởng để AFS phát triển.
Nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch thì không chỉ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà những hộ chăn nuôi lớn dịch bệnh cũng sẽ phát triển vào và gây tác hại nặng nề, vì vậy, sắp tới Bộ đề nghị tất cả các địa phương tổng rà soát lại kịch bản ứng phó với dịch bệnh để hoàn thiện một cách tích cực nhất.
An toàn sinh học (ATSH) được cho là một biện pháp phòng chống bệnh tốt nhất hiện nay, xử lý môi trường tổng thể ATSH cho tất cả các cơ sở nuôi từ các hộ nhỏ lẻ đến các hộ lớn.
Vừa rồi nơi nào làm tốt ATSH thì hạn chế được dịch bệnh kể cả các tỉnh phía Bắc, nơi nào làm một cách triệt để thì hạn chế bệnh một là không đến hoặc nếu có đến thì lây lan rất chậm và không phát triển ở những khu vực trọng yếu.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị phải vệ sinh an toàn tổng thể, tiêu độc khử trùng thật tốt tổng quan chung, và do AFS không có thuốc chữa, không có thuốc phòng nên chúng tôi khuyến nghị bà con không tái đàn lúc này, đợi đến khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, đủ điều kiện cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ thông báo lúc đó mới tái đàn trở lại.
Với những địa phương đã xuất hiện AFS, làm thế nào để khoanh vùng dập dịch đạt được kết quả tốt nhất?
Chúng tôi xin nhắc lại không chỉ các tỉnh đã bị dịch mà tất cả các tỉnh đều phải coi nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng yếu, những nhóm tỉnh đã xảy ra dịch bệnh phải tập trung xử lý khoanh dùng triệt để, bên cạnh đó phải có giải pháp ngăn ngừa các công tác thú y, giám sát vận chuyển sản phẩm, tiêu thụ phải làm chặt chẽ.
Riêng các nhóm tỉnh chưa có dịch xảy ra thì công tác phòng phải đề cao lên hàng đầu và vẫn phải xác định phòng là chính. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu kể cả nhóm các tỉnh, thành đã bị dịch phải cố gắng hơn tỉnh, thành chưa bị dịch, có như vậy mới hạn chế được tình hình lây lan nhanh của AFS.
Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phải làm thế nào để ổn định thị trường thịt lợn cho người dân?
Về tiêu thụ, trước tiên chúng ta phải khẳng định AFS chỉ có lây trên lợn rừng và lợn nhà. Bệnh này không lây lan ra các gia súc gia cầm và không lây truyền cho người, do đó mọi người cần nắm được thông tin này.
Các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm tăng cường kiểm soát thực phẩm bằng cách tất cả những con lợn được đưa vào giết mổ phải được giám sát để đảm bảo âm tính với dịch bệnh.
Khuyến nghị các cơ sở có điều kiện giết mổ tập trung chế biến tốt và rất khuyến khích giai đoạn này các doanh nghiệp tăng cường dự trữ bởi, vì sắp tới đây dự báo sẽ thiếu thịt lợn sạch, bây giờ nơi nào đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh, chế biến và cấp đông, vấn đề này TP.HCM đã có chính sách khuyến khích rất tốt.
Chúng tôi khuyến nghị chính quyền địa phương vào cuộc cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương làm tốt công tác chỉ đạo này để tăng cường dự trữ thực phẩm sạch, không chỉ cho cung ứng bây giờ mà những tháng, những quý tới chắc chắn thiếu thịt lợn sạch, bây giờ không để giá lợn sạch sụt giảm, sau này lại tăng cao.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!