Tại đây, ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết, tổng diện tích trồng cà rốt của địa phương đạt 360ha. Sản lượng cà rốt hằng năm ước đạt từ 15 – 20 nghìn tấn. Do thực hiện tốt việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, năng suất cà rốt trung bình khoảng 40 – 45 tấn/ha. Thu nhập bình quân đầu người xã Đức Chính năm 2018 đạt 45 triệu/người/năm. Trong đó, giá trị từ cây cà rốt chiếm 30% tổng thu nhập của người dân. Cà rốt Đức Chính ngoài tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu đi nhiều thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và các nước Trung Đông.
Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, cách đây 10 năm, địa phương đã có cơ chế hỗ trợ người dân làm thủy lợi, giao thông nội đồng để SX cà rốt. Từ năm 2003, người dân được hỗ trợ giống cà rốt Nhật Bản, năng suất, chất lượng cao để SX. Riêng huyện Cẩm Giàng có 750ha cà rốt. Về khâu chế biến, ông Hiển khẳng định, Hải Dương luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến. Hải Dương đang cố gắng hình thành nhiều nhà máy chế biến công suất cao, hiện đại, đưa mặt hàng cà rốt tới nhiều thị trường trên thế giới.
Tại xã Cẩm Văn, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm nhà máy chế biến cà rốt xuất khẩu Tân Hương. Chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Mệnh cho biết, đơn vị đã có truyền thống 30 năm thu mua cà rốt cho người dân trong vùng. Mỗi ngày, doanh nghiệp này thu mua hàng chục tấn cà rốt, sơ chế, đóng gói. Thị trường doanh nghiệp này nhắm tới là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Đánh giá công tác SXNN tại Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc chuyển cả 1 vùng sang 1 đối tượng cây cà rốt thấy rằng, nông dân chúng ta ngày càng sáng tạo. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nếu tổ chức thật tốt thì người dân sẽ tin tưởng. Mặc dù quy mô ruộng nhỏ, nhưng tổng hợp lại vẫn thành những ruộng lớn. Và khi liên kết lớn từ khâu sản xuất đến khâu chế biến đến thương mại, chắc chắn chúng ta thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan nhà xưởng chế biến cà rốt tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng |
Theo Bộ trưởng Cường, yếu tố đầu tiên của SX là phải liên kết rất chặt chẽ chứ không để rời rạc, ai muốn làm gì thì làm, dễ dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Khi rời rạc cái gì cũng có nhưng bán rất rẻ không ai mua, hiệu quả rất kém. Phải ứng dụng khoa học kỹ thuật thật tốt tất cả các khâu. Ngoài các doanh nghiệp vào cuộc, các cơ quan quản lý của nông nghiệp, các nhà khoa học phải hướng dẫn tất cả các khâu về giống, quy trình tổ chức các khâu đầu vào đầu ra phải áp dụng triệt để để làm sao năng suất cao nhất, tiết kiệm nhất đầu vào để giá thành hạ. Trên hết là tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.