Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Trong những năm gần đây, nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam ngày càng phát triển. Theo Bộ trưởng, xu thế này đang phát triển đến đâu?
- Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Hiện nay nông sản Việt Nam xuất khẩu đến 180 nước, giá trị xuất khẩu năm 2016 là 32,14 tỷ USD, năm 2017 khả năng sẽ đạt trên 36 tỷ USD. Đó là thành quả chung rất đáng ghi nhận.
Sản xuất rau hữu cơ ở trang trại Organica. Ảnh: I.T
Tuy nhiên, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, chuỗi giá trị cao, đặc biệt đưa ra nhiều nông sản sạch, an toàn, nông sản bổ dưỡng cho người tiêu dùng là một đòi hỏi khắt khe, đồng thời cũng đang là một xu thế và nông nghiệp hữu cơ là một dạng sản xuất như vậy.
Như Bộ trưởng nói, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng lên. Vậy Việt Nam sẽ có những thuận lợi, thách thức gì để phát triển theo hướng này?
- Về thuận lợi, trước tiên Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất của ông cha để lại. Thứ hai, Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ, 3/4 diện tích là núi và cao nguyên. Chúng ta có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, từ cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật, nấm. Đây có thể là một kho báu để khai thác từng bước phát triển nền nông nghiệp nói chung, đặc biệt nhóm nông nghiệp hữu cơ. Cũng do địa hình ¾ là núi nên các địa hình thượng nguồn đất, nước rất sạch. Những vùng đó có cơ hội phát triển nông nghiệp hữu cơ tốt.
Hiện trạng nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã phát triển tới trên 76.000ha, 33/63 tỉnh, thành phố đã có những mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chúng ta có một số doanh nghiệp, trong đó có được một số doanh nghiệp đầu đàn như TH true MILK, Vinamilk…, đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Cần có những chính sách cụ thể để thu hút được đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài, kể cả đầu tư trực tiếp và kinh nghiệm quản lý, tiến bộ khoa học kỹ thuật; phối hợp cùng các thành phần kinh tế trong nước để đẩy nhanh hơn phát triển nông nghiệp hữu cơ”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường |
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp những thách thức rất lớn khi bắt tay vào phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đó là hiện trạng sản xuất của Việt Nam dựa trên quy mô nhỏ lẻ, rất manh mún – vẫn còn 10,6 triệu hộ nông dân với bình quân đất rất thấp, có đến 77 triệu miếng ruộng. Làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi rất khắt khe, quản lý chặt chẽ từ nguồn giống, quy trình sản xuất, yêu cầu tài nguyên ban đầu đất, nước phải sạch. Đây là một khó khăn rất lớn.
Bên cạnh đó, việc chuyển từ sản xuất hiện nay theo tăng trưởng về năng suất, về bề rộng sang nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi rất nhiều quy trình canh tác, những tác động rất khắt khe. Đây là một rào cản chúng ta phải vượt qua được.
Vậy ông có thể cho biết, thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ những biện pháp và giải pháp quản lý cùng những chính sách ưu đãi như thế nào nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ?
- Để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, biện pháp hàng đầu là phải hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách. Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp cùng các đơn vị khác hoàn thiện nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để trình Thủ tướng có thể ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, Bộ cũng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ cũng sẽ giao nhiệm vụ cho các bộ khác để cùng tập trung tạo ra các hành lang pháp lý, các chế tài quản lý. Trên cơ sở đó huy động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!