Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) về công tác giám sát chất lượng thực phẩm thế nào? Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu: "Công tác kiểm soát chất lượng là một khâu quan trọng mà chính Quốc hội đã tổ chức giám sát an toàn thực phẩm. Hiện nay Bộ đã tổ chức có Cục Quản lý chất lượng và dưới đó có 6 chi cục của 6 vùng. Và đang thực hiện phương châm xã hội hóa để tất cả các doanh nghiệp các nơi có điều kiện được tham gia trong chuỗi kiểm soát này của chúng ta".
Nói sơ bộ, theo Bộ trưởng Cường, chúng ta đang bám vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bám vào công nghệ, phòng kiểm nghiệm, thí điểm, công nhận để thực hiện tốt công tác kiểm soát. Một tin rất vui để đánh giá về hoạt động này, Bộ trưởng cho biết vừa qua Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Việt Nam tương đương với nước họ trong việc kiểm soát an toàn mặt hàng cá tra.
Nhiều năm trước, cá tra Việt là "một mình một chợ" thì giờ đây cục diện đã thay đổi. Không ít thị trường khác cũng đã đẩy mạnh nuôi cá tra, thậm chí có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ, nếu Việt Nam có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Thậm chí, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam.
Ngày 4/11 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp thông tin xung quanh nội dung này. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Hoa Kỳ là thị trường lớn, khó tính nhất về an toàn thực phẩm. Việc được Hoa Kỳ công nhận tương đương là điều kiện quan trọng giúp thúc đẩy xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ nhiều hơn.
Trong chuỗi sản xuất ngành hàng và quản lý an toàn thực phẩm, cá tra là một trong những mặt hàng khó nhất vào thị trường Hoa Kỳ, vì xung đột cạnh tranh với các loại cá da trơn khác của nước bạn ở phía Nam. Do đó, Mỹ liên tục có rào cản kỹ thuật.
Kỳ này, Việt Nam vượt qua được rào cản kỹ thuật của giám sát chất lượng tương đương về mặt an toàn thực phẩm, Bộ trưởng cho biết, đã chứng tỏ rằng, Việt Nam chúng ta đã cải thiện ngay từ khâu ban hành văn bản pháp luật, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, các luật, nghị định, thông tư, văn bản kiểm soát khác,... Thứ hai, là cải thiện trong năng lực tổ chức thực thi nhiệm vụ, các trung tâm của chúng ta kiểm nghiệm, kiểm soát vấn đề này. Thứ ba là nâng cao tổ chức sản xuất chuỗi từ con giống, thức ăn đến chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu.
Bộ trưởng Cường kể lại: "Họ kiểm tra đến mức vào cửa, thấy một tấm nilon che, họ nói ngay: "Cái này phơi nhiễm, khả năng sẽ lây sang bên kia", chặt đến mức độ như vậy!".
Qua một thời gian dài phía Hoa Kỳ trực tiếp sang kiểm soát, đến cuối năm 2018, Hoa Kỳ đã chấm điểm Việt Nam là số 1, trên 80 điểm. Trung Quốc đứng thứ 2, 50 điểm còn Thái Lan số 3. Việt Nam kỳ này được công nhận tương đương với Hoa Kỳ.
Quá trình kiểm soát chất lượng của mặt hàng khó nhất này, Việt Nam tương đương như Hoa Kỳ. Điều đó mở ra triển vọng các doanh nghiệp của chúng ta tiếp tục xuất khẩu vào, nhưng đó cũng là ví dụ thể hiện chúng ta đang cố gắng làm tốt hơn chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung của chúng ta, không chỉ con cá tra, mà là cả các mặt hàng khác.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho rằng đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.