Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn với báo chí về các mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2018 này.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.
Thưa Bộ trưởng, theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố, trong quý 1 năm nay, ngành nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục với nhiều điểm sáng tích cực, Bộ trưởng có thể cho biết tóm tắt về những kết quả này?
-Theo Tổng cục Thống kê, quý I năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm sản và thủy sản tăng 4,05% - mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Đây là thành tích lớn của ngành đóng góp chung vào tăng trưởng cao của cả nước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I ước tính đạt khoảng 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,18% so với quý I năm 2017; trong đó, nông nghiệp đạt 143,86 nghìn tỷ đồng, tăng 3,92%. Trồng trọt là lĩnh vực đóng góp nhiều “điểm sáng”, góp phần tạo ra mức tăng trưởng cao 5,16%, qua đó tạo động lực giúp ngành đạt mức tăng trưởng cao.
Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý I sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoài (tăng 5,4%). Đáng mừng hơn, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên (năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao). Dự báo, năm nay Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo.
Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với năm ngoái. Cụ thể, điều ước đạt 201 nghìn tấn, tăng 30%; hồ tiêu ước đạt 76,3 nghìn tấn, tăng 9,8%; xoài ước đạt 194,8 nghìn tấn, tăng 6,9%; cam, quýt ước đạt 284 nghìn tấn, tăng 4%…
Đặc biệt, năm nay nhãn, vải ra hoa đạt tỷ lệ 95% hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Bộ đang giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các địa phương chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ vải, nhãn đảm bảo đầu ra ổn định, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm vùng chè Thái Nguyên.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN NĂM 2018 SẼ ĐẠT 40 TỶ USD
Tại buổi tổng kết của ngành năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “chốt” chỉ tiêu xuất khẩu nông sản 2018 phải đạt trên 40 tỉ USD, Bộ NNPTNT sẽ triển khai những giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này?
-Có một thông tin rất đáng mừng, đó là ngay trong 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 21,4% mục tiêu 2018. Bức tranh nông nghiệp trong quý I năm 2018 rất tích cực, nhất là tốc độ tăng trưởng ngành tăng cao, tạo tiền đề cho các quý tiếp theo cũng như việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2018.
Chúng tôi xác định năm 2018 có rất nhiều mục tiêu cần thực hiện, trong đó có mục tiêu phải làm thật tốt là đảm bảo sản xuất ra nông sản có chất lượng, giá phải chăng, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.
Mục tiêu xuất khẩu nông sản 2018 đạt 40 tỉ USD là mục tiêu rất cao, vì 2017 mới đạt 36,52 tỉ USD, trong thời gian 1 năm mà phấn đấu xuất khẩu nông sản tăng thêm gần 4 tỉ USD là rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đã là nước thuộc nhóm đứng đầu trong khu vực ASEAN xuất khẩu nông sản, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều nước trên thế giới biết và sử dụng nông sản của chúng ta, nhưng cũng là thách thức phải cạnh tranh với nhiều nước có lợi thế sản xuất ra các sản phẩm tương tự; sản phẩm của ta vào được thị trường thế giới thì phải đạt các tiêu chuẩn với hàng rào kỹ thuật khắt khe, giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên, bằng kết quả nền tảng vừa qua, ngành nông nghiệp xác định tập trung với cố gắng cao nhất, thực hiện cho được mục tiêu Chính phủ đề ra, qua đó góp phần cải thiện đời sống người nông dân.
Chúng tôi xác định sẽ phát triển đồng bộ, tập trung các mặt hàng mà VN có lợi thế, cố gắng đạt được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp. Ngay từ những ngày đầu năm 2018, Bộ đã rà soát, xác định những thuận lợi, khó khăn của từng ngành hàng, trên cơ sở đó ra mục tiêu: Khối lâm nghiệp năm nay phải cán đích ở mức từ 9 tỉ USD trở lên, tăng 1 tỷ so với 2017; thuỷ sản năm qua đạt 8,57 tỉ USD, năm nay quyết tâm đạt 9 tỉ USD trở lên; với khối trồng trọt bao gồm cây lương thực, 5 nhóm cây công nghiệp, rau, quả, phấn đấu trên 20 tỉ USD, còn lại là các ngành khác. Chúng tôi tin với quyết tâm cao, với tính năng động của các Hiệp hội, doanh nghiệp, của bà con, năm nay sẽ phát huy tốt nhất liên kết trong sản xuất, tập trung mở rộng thị trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu xuất khẩu đề ra.
Thủy sản đang là điểm sáng trong xuất khẩu.
93 TRIỆU DÂN VIỆT NAM PHẢI ĐƯỢC THỤ HƯỞNG THỰC PHẨM TỐT NHẤT, SẠCH NHẤT
Điểm sáng lớn nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2018, đó là xuất khẩu rau quả đã đạt tới hơn 3,6 tỷ USD. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng của khối này và có một đòi hỏi là, ngoài việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản xuất khẩu, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước cùng đòi hỏi và nâng cao hơn?
- Để nói về kết quả xuất khẩu rau, củ, quả của năm 2017, cần nhìn từ con số xuất khẩu của 2016. Năm 2016, xuất khẩu rau, củ, quả chỉ đạt 2,6 tỉ USD, nhưng năm 2017 đã đạt 3,6 tỉ USD, việc tăng tới 1 tỉ USD là rất lớn.
Phải khẳng định việc xuất khẩu nông sản ra nước ngoài đều phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và chấp nhận đòi hỏi cao, vì vậy, để có kết quả xuất khẩu rau, củ, quả đạt 3,6 tỉ USD phải đánh giá đúng mức sự cố gắng vượt bậc của nông dân, của các doanh nghiệp.
Năm 2017, tổng nông sản xuất khẩu đạt 36,52 tỉ USD, nhưng điểm đáng nói là thị trường nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam là các nước có tiêu chuẩn cao, “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Từ câu chuyện xuất khẩu, chúng ta cũng thấy rõ trách nhiệm tới đây là phải tiếp tục liên kết để phát triển nhanh hơn, phủ rộng hơn, đồng đều hơn. Và phương châm tới đây chúng tôi xác định rõ, thị trường trong nước và thị trường nước ngoài đều phải đạt mục tiêu về tiêu chuẩn sản xuất như nhau. Làm được như vậy thì hơn 93 triệu dân của chúng ta mới được thụ hưởng thực phẩm tốt nhất, sạch nhất. Chúng ta không có quan điểm là sản xuất cho tiêu thụ trong nước khác, nước ngoài khác.
Đây là một trong những việc quan trọng chúng tôi đang làm, đang sớm hoàn thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để ngang tầm các nước, để thừa nhận lẫn nhau,tức là sản phẩm của thị trường trong nước cũng tương ứng như chất lượng xuất ra nước ngoài.
Sơ chế rau đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vậy đến khi nào, chúng ta sẽ đạt được tiêu chuẩn tương đồng giữa chất lượng thực phẩm tương đồng giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thưa Bộ trưởng?
- Hiện nay chúng tôi đang làm, nhưng có lẽ lộ trình phải từng bước. Thực tế đã có rất nhiều sản phẩm có chất lượng tương đồng như vậy và đã có trong siêu thị, từ rau quả đến cá tra, tôm, trứng gà, thịt gà miền Nam xuất khẩu đi Nhật Ban cũng đã có bán ở siêu thị. Rồi gà đồi Yên Thế cũng đã có bán ở 23 tỉnh, thành phố, tới đây thịt lợn cũng như vậy.
Để tất cả các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng như một số ví dụ trên, phải có cả quá trình, đòi hỏi cả người sản xuất, người tiêu dùng, đến người làm dịch vụ thương mại đều cần thay đổi nhận thức; để tất cả khu vực nông nghiệp, dù rộng lớn, vẫn phải hướng đến một nền sản xuất đúng nghĩa của hội nhập, tiêu chuẩn tốt, hàng hoá tốt, giá cả phải chăng, phương thức lưu thông, phân phối hiện đại thì mới thành công.
Ngành chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
DẤU ẤN 5 NĂM THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
Một trong những chiến lược quan trọng của ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện, đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết, sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả gì đáng chú ý?
- Năm 2017, tất cả 63 tỉnh thành đều đã vào cuộc với chương trình kế hoạch cụ thể để tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung vào những nhóm sản phẩm mang tính chất lợi thế của từng vùng, miền và theo tín hiệu của thị trường, theo nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2017, với nhóm sản phẩm chủ lực của quốc gia bao gồm 10 sản phẩm có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên đã tập trung khắc phục những điểm yếu trong từng nhóm sản phẩm. Vì vậy, năm qua nhóm 10 sản phẩm này đều tăng trưởng.
Trong 10 sản phẩm chủ lực, có những nhóm sản phẩm tăng trưởng rất nhanh như nhóm rau củ quả tăng trưởng tới 42%, đạt giá trị xuất khẩu tới 3,6 tỉ USD, nhóm sản phẩm thuỷ sản đã xuất khẩu vượt 8 tỉ USD, nhóm sản phẩm về gỗ - lâm sản cũng đã cán đích xuất khẩu 8 tỉ USD...
Ngoài những nhóm sản phẩm chung trong nhóm sản phẩm quốc gia, từng ngành hàng đều có bước tăng trưởng đột phá. Nhóm sản phẩm thuộc khu vực lợi thế riêng từng tỉnh, các tỉnh cũng đã chú ý hình thành những vùng hàng hoá rõ nét, tạo ra giá trị cao. Ví như Bắc Giang với nhóm sản phẩm chủ lực là cây vải, đã hình thành vùng vải tập trung ở Lục Ngạn với 23.000 ha, có giá trị tổng thể cả sản xuất và dịch vụ xấp xỉ 5.000 tỉ đồng; sản phẩm gà đồi Yên Thế, chỉ một huyện nhưng một năm đã phát triển tới 15 triệu con gà, cho giá trị 1.400 tỉ đồng.
Nói điều đó để khẳng định các tỉnh, thành phố đã chú ý đến lợi thế của mình để hình thành những vùng sản xuất tập trung, đưa ra giá trị hàng hoá. Hay với nhóm sản phẩm đặc sản, như tỉnh Quảng Ninh với phong trào mỗi làng một sản phẩm, năm 2017 đã có tới 236 sản phẩm đặc sản quy mô cấp xã, sản xuất ở địa phương nhưng tiêu chuẩn quốc gia, có những mặt hàng xuất khẩu.
Vì thế, có thể khẳng định chúng ta đã tiến một bước lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp, đúng theo tinh thần sản xuất hàng hoá tập trung, công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị lớn và hướng tới xuất khẩu.
Sau tái cơ cấu, thu nhập bình quân của người lao động dù tăng gần gấp đôi so với cách đây 5 năm, nhưng tốc độ đó còn rất chậm, mỗi năm tăng trung bình chỉ 15%. Theo Bộ trưởng, tới đây sẽ tái cơ cấu tiếp như thế nào để tốc độ tăng trưởng thu nhập của lao động nông nghiệp tiếp tục tăng lên?
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đó là nâng cao đời sống của người nông dân.
"Chúng ta vẫn còn hơn 8 triệu hộ nông dân, với vài chục triệu miếng ruộng, vẫn phải cố gắng thúc đẩy liên kết, vì chỉ có liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp mới tạo nền sản xuất khép kín từ tổ chức vùng nguyên liệu cho đến cơ sở chế biến, tổ chức thị trường. Phải làm được như vậy thì chuỗi giá trị mới gia tăng, mới có điều kiện phân phối lại lợi nhuận, trong đó phải ưu tiên người khổ nhất, vất vả nhất trong làm ra sản phẩm là người nông dân, như vậy mới có điều kiện nâng cao cuộc sống". (Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường) |
Qua thực hiện 2 chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thu nhập của hộ nông dân trong 5 năm qua đã tăng 1,85 lần, đây là con số rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với số tuyệt đối trên thì phải nhìn nhận thu nhập của người nông dân so với tiềm năng, yêu cầu, mục tiêu thì vẫn phải phấn đấu tiếp.
Hiện nay thu nhập bình quân của người nông dân khu vực nông thôn mới đạt khoảng 33 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân chung cả nước khoảng gần 50 triệu đồng/người/năm.
Như vậy, rõ ràng khu vực nông thôn còn phải cố gắng tiếp và các giải pháp cần quyết liệt là tổ chức sản xuất để phù hợp với thị trường tiêu thụ, tập trung vào tái cơ cấu để đảm bảo trong sản xuất không còn hiện tượng được mùa mất giá, bán sản phẩm thô, không còn hiện tượng đây đó sản xuất chưa sạch, chưa an toàn, không đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đây là một trong những vấn đề lớn, đòi hỏi trong thời gian tới phải tập trung hơn. Một điểm nữa là liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã trong năm 2017 đã có bước phát triển, đã có 2.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, 1.400 hợp tác xã kiểu mới ra đời, nhưng như thế vẫn là chưa đủ.
THU NHẬP CỦA NÔNG DÂN SẼ TĂNG GẤP 2 LẦN TRONG 5 NĂM TỚI
Phải thừa nhận, hiện có rất nhiều nông dân đã giàu lên, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ nông dân gặp nhiều khó khăn về thu nhập do gặp nhiều rủi ro cả về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là rủi ro về thị trường. Vậy mục tiêu của ngành trong 5 năm tới đây là gì, thưa Bộ trưởng?
- Trong 5 năm tới phấn đấu của ngành đặt ra mục tiêu phải thúc đẩy chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, đời sống nông dân phải cải thiện hơn. Năm năm tới chúng tôi phấn đấu ít nhất là thu nhập của bà con nông dân phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay, đây là mục tiêu không chỉ đáp ứng yêu cầu về đời sống của nhân dân theo chủ trương của Đảng, nhà nước, mà đây thật sự là tiềm năng, lợi thế phải tập trung khai thác.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xuống đồng kiểm tra mạ cùng nông dân.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay vẫn có tới hơn 43% dân số làm nông nghiệp, nhưng tỷ lệ lao động có nghề còn thấp, hết mùa lại nhàn rỗi. Cùng với tái cơ cấu, sẽ có những giải pháp nào để lao động nông thôn có việc làm dài hơn, thu nhập tăng hơn, có nhiều những cánh đồng 500 triệu/ha được mở rộng hơn?
- Trong 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thành công trong giai đoạn đầu rất quan trọng, đã xây dựng được kinh tế theo chiều hướng tiến bộ, trong cơ cấu kinh tế đó, nông nghiệp chỉ còn chiếm 16% trong GDP. Còn lại công nghiệp, xây dựng và khối dịch vụ du lịch đang tăng tỉ lệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của một nền kinh tế theo xu hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển chung của bất cứ nền kinh tế nào.
Tuy nhiên, một trong những mâu thuẫn đặt ra hiện nay, đó là khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 16% GDP nhưng lao động nông nghiệp còn 43%, đây là một nghịch lý mà thời gian tới phải tập trung tháo gỡ.
Đô thị hiện nay chiếm trên 30%, dịch vụ công nghiệp ngày càng phát triển mà khu vực nông nghiệp vẫn còn tới 43% lao động. Để giảm bớt lao động ở khu vực nông thôn, chúng tôi cũng kiến nghị: Một mặt tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều hướng tập trung nông nghiệp công nghệ cao, mặt khác cũng phải kiến nghị có chính sách chung, thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp vào các khu vực khác, thu hút lao động nông nghiệp vào chính khu vực đô thị.
Xu hướng là phải tổ chức lại lao động để khu vực nông nghiệp không còn 43%. Mặt khác, cần phải đẩy mạnh đào tạo để người nông dân nắm được khoa học, kỹ thuật phù hợp trong quá trình sản xuất nhằm tái cơ cấu nông nghiệp thành công, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng hội nhập và cơ chế thị trường. Rõ ràng, lực lượng lao động trong nông nghiệp, nhất là lực lượng trẻ phải làm việc này. Thời gian tới, ngành nông nghiệp phải có những giải pháp để phát triển mạnh phong trào thu hút lực lượng trẻ qua phong trào khởi nghiệp, qua thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức hợp tác xã kiểu mới.
HÌNH THÀNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI
Thực tế hiện nay vẫn còn hơn 70 triệu miếng ruộng, năm vừa qua đã khởi động mạnh về tập trung đất đai nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn việc thuê, mượn đất đai chưa dễ dàng, trừ những doanh nghiệp lớn. Xin hỏi Bộ trưởng, tái cơ cấu tới đây sẽ làm như thế nào để người nông dân thật sự được hưởng lợi và hưởng lợi trên mảnh đất của mình?
- Đúng là việc tập trung sản xuất thành vùng tương đối tập trung theo các cấp độ, quy mô và hình thức đa dạng là nhu cầu bức thiết.
Trong những năm vừa qua, thực hiện Luật đất đai 2013 và các chính sách pháp luật trước đó, chúng ta đã chuyển được một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, thiếu ăn sang một nền nông nghiệp hàng hoá như bây giờ. Đó là điều đáng mừng, trong đó phải khẳng định chính sách đất đai vừa qua đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, với mức độ sản xuất cao như hiện nay, VN không chỉ đáp ứng cho nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 93 triệu dân mà còn phải trở thành một trong những nước phát triển lớn về nông sản, rõ ràng đòi hỏi phải tiếp tục có những điều chỉnh, tổ chức thực hiện làm sao cho tốt hơn. Vì thế, những nút thắt để hình thành những vùng sản xuất tập trung ở các cấp độ, quy mô khác nhau cần sớm được tháo gỡ.
Cần hình thành nhiều hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp.
Trước mắt, có rất nhiều hình thức phù hợp với Luật hiện nay, như hình thành hợp tác xã kiểu mới, có thể gom tư liệu lại cùng nhau làm ăn theo một hướng, trên nền tảng quản trị mới, tự nguyện, theo tín hiệu thị trường.
Hay như các hợp tác xã có vùng nguyên liệu thì liên kết với doanh nghiệp để các bên có vùng nguyên liệu, có công nghệ chế biến, có khả năng xuất khẩu, có khả năng tổ chức thị trường cùng nhau kết hợp, không gì bằng năng động, sáng tạo trên cơ sở sẵn có.
"Còn với những vướng mắc về đất đai, hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đang tập hợp lại để tới đây có tham mưu, kiến nghị với Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong Luật cũng như các Nghị định. Đối với các Bộ, chúng tôi đã sửa ngay các Thông tư để tháo gỡ những vướng mắc và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới". (Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường) |
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!