Thưa Bộ trưởng, có thể nói năm 2017 là năm của rất nhiều kỷ lục đối với ngành nông nghiệp, chúng ta có thể nhìn thấy mặt hàng rau quả vượt qua mốc năm ngoái với hàng tỷ USD tăng thêm và đạt con số rất cao từ trước đến nay, mặt hàng thủy sản đã vượt qua mốc 8 tỷ USD. Theo quan điểm của Bộ trưởng, cơ sở nào để chúng ta đạt được điều này?
- Có thể nói, năm 2017 lĩnh vực xuất khẩu nông sản đã đạt được thành tựu lớn khi đã đạt con số 36,37 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, có một con số rất đáng ghi nhận là thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp đã đạt 8,55 tỷ USD, vượt hơn năm ngoái hơn 1 tỷ USD. Với ngành nông nghiệp đây là những thành tựu rất lớn.
Xuất khẩu rau quả năm 2017 đã tăng tới 45%, đạt kim ngạch 3,45 tỷ USD. Ảnh: I.T
"Chưa bao giờ ngành nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo như bây giờ. Những hình ảnh các đồng chí trong Ban Thường vụ, rồi bí thư, chủ tịch các tỉnh không chỉ xây dựng, tổ chức vùng nguyên liệu mà còn xúc tiến thương mại, đi bán hàng, đi nước ngoài, cho thấy một tín hiệu rất tốt”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT |
Ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều mốc kỷ lục mới, như ngành hàng thủy sản lần đầu tiên vượt 8 tỷ USD, ngành gỗ lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, ngành rau quả đạt 3,45 tỷ USD, vượt lúa gạo và cả xuất khẩu dầu thô. Mấu chốt cho những con số quan trọng này là chúng ta đã đánh giá đúng vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp theo 2 nguyên tắc: Một là, phải xác định theo nguyên tắc thị trường, kể cả thị trường trong nước và sức mua rất lớn của thị trường thế giới. Thứ hai, phải tuân thủ nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể bằng cách lựa chọn những đối tượng phù hợp, có dư địa từng vùng, từng miền để tập trung vào, thì chúng ta đang hướng vào rau quả, thủy sản, lâm nghiệp và những mặt hàng khác mà Việt Nam có thế mạnh.
Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, chúng ta có thể thấy năm 2017 đánh dấu một bước ngoặt rất lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng chủ lực. Từ trước đến nay chúng ta coi trọng lúa gạo là hàng đầu, nhưng năm 2017 chuyển sang thủy sản, trái cây. Theo quan điểm của Bộ trưởng, chiến lược xoay trục này sẽ được tiếp tục như thế nào trong thời gian tới?
- Đạt được kết quả ban đầu của giai đoạn vừa qua nói chung, đặc biệt năm 2017, nhưng chúng ta không được chủ quan, mà phải tiếp tục làm sâu sắc hơn việc biến những tiềm năng đó thành hiện thực bằng các hình thức tổ chức sản xuất và theo một nguyên tắc chung là chuỗi giá trị tất cả các nhóm ngành hàng. Kể cả những ngành hàng chủ lực quốc gia, nhóm ngành hàng chủ lực của các tỉnh và nhóm ngành hàng đặc sản của các địa phương qua phong trào OCOP (Mỗi làng một sản phẩm). Đồng thời, phải tập trung cao phát triển theo chuỗi, ứng dụng KHCN nhiều hơn nữa, giải quyết dứt điểm hai nút thắt hiện nay là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến sâu và khâu xúc tiến, mở rộng thị trường.
Cũng phải khẳng định năm 2017 đã tạo được những tiền đề tốt. Tôi lấy ví dụ 2 ngành thủy sản và trái cây. Riêng thủy sản, hiện nay 2 đối tượng chủ lực là con tôm và cá tra, đang rà soát lại tất cả từ khoanh vùng nuôi, riêng cá tra hiện nay 5.100ha, hiện đã định dạng cơ bản đến ao nuôi để khống chế không tăng diện tích. Bên cạnh đó, cần đi sâu vào chuỗi giá trị, với tổng số 143 cơ sở chế biến, trong đó có 62 cơ sở tổ chức xuất khẩu hiện nay được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, làm ra là phải xuất khẩu được, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hay ngành hàng rau quả, chúng ta biết tiềm năng dư địa của thị trường thế giới còn rất lớn. Tổng thương mại về rau quả lên tới 270 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với lúa gạo chỉ 36 tỷ USD. Nhưng rõ ràng muốn làm tốt khâu này thì chúng ta không chỉ chú ý đến quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu một cách ổn định, tập trung, mà quan trọng hơn nữa là tập trung cho công tác chế biến. Trong tổng số 22 triệu tấn rau, củ, quả, mới chế biến được 9%.
Chúng tôi xin thông báo năm 2018 sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác chế biến. Có 5-6 nhà máy ở 6 vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến sẽ được khởi công và đưa vào sản xuất trong 2018 và đầu năm 2019, với công suất tới 1 triệu tấn, tức là bằng công suất của 142 nhà máy vừa qua.
Có thể thấy trong năm vừa qua, rất nhiều địa phương đã thực sự vào cuộc để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, điển hình như Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Đồng Tháp, Thái Bình… Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các địa phương trong việc triển khai chính sách này?
- Năm vừa qua, cùng với sự vào cuộc ráo riết của trung ương, phải khẳng định 63 tỉnh, thành, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và bà con nông dân vào cuộc rất quyết liệt. Tôi chỉ cần dẫn chứng mấy ví dụ, hầu hết các đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành đến các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị của địa phương không một tỉnh nào là không quyết liệt vào mặt trận nông nghiệp như giai đoạn này.
Thứ hai, chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến nông nghiệp như vậy. Riêng năm vừa rồi, gần 2.000 doanh nghiệp tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp với giá trị vốn đầu tư hàng tỷ USD. Vốn này hoàn toàn của doanh nghiệp và huy động vốn của tín dụng, trong đó có những tập đoàn rất lớn kỳ này cũng đã đầu tư vào khu vực nông nghiệp, đã cho thấy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế đối với ngành nông nghiệp.
Sang năm mới, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của những người nông dân trong kết quả đã đạt được của ngành và Bộ trưởng gửi đến bà con nông dân điều gì trong năm mới 2018?
- Thay mặt lãnh đạo Bộ NNPTNT, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới 2018 đến toàn thể nhân dân nói chung, trong đó có bà con nông dân ta, các thành phần kinh tế - xã hội đang tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp có một sức khỏe dồi dào, có niềm tin, nhiều niềm hứng khởi, nhiều sáng tạo để chúng ta phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp của chính chúng ta ngày một phát triển, xây dựng nông thôn chúng ta ngày càng giàu hơn.
Có thể khẳng định rằng, năm vừa qua có sự vào cuộc rất quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương, các thành phần kinh tế, bà con nông dân. Kỳ vọng với những kết quả của năm 2017, năm 2018 bà con nông dân chúng ta, các thành phần kinh tế các địa phương có niềm tin khẳng định mình có thể làm được nếu như đồng lòng cả 3 trục: Trục Chính phủ, trục doanh nghiệp và toàn dân trong sự nghiệp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chúng ta quyết tâm đồng hành như vậy, tin tưởng chúng ta sẽ đạt được những kết quả theo mục tiêu đề ra.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!