Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 8% - đây là mức tăng cao nhất từ năm 2007, trong đó thu ngân sách nhà nước là một điểm sáng.
Để có một cái nhìn toàn cảnh về thu chi ngân sách năm 2022 và kế hoạch cho năm 2023, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề này.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đến ngày 15/12/2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán. Xin Bộ trưởng cho biết những yếu tố cơ bản tạo nên thành công nói trên?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thu NSNN đến ngày 15/12/2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán, cao hơn 77,8 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10,11/2022).
Trong đó, thu nội địa vượt 13,4% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 39,8% dự toán, thu NSNN từ dầu thô vượt 159,6% dự toán. Để có được kết quả này, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất , nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới.
Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 15/12/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng). Mặc dù chịu tác động giảm thu, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, một số khoản thu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2021, như: Đến hết tháng 4/2022, thuế thu nhập cá nhân tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán,... nộp trong quý I/2022; thu tiền sử dụng đất tăng 21,2% nhờ thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh, cơ quan thuế cũng đã tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021.
Thứ hai, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 700 tỷ USD; kết hợp với giá các mặt hàng xăng dầu tăng (dầu thô tăng 57%; dầu thành phẩm tăng 116%). Qua đó, góp phần tăng thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ ba, tính đến ngày 15/12/2022, cơ quan thuế đã kiến nghị xử lý tài chính 63,36 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 14,87 nghìn tỷ đồng; đồng thời, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết 11 tháng là 29,4 nghìn tỷ đồng.
Cơ quan hải quan đã kiến nghị xử lý tài chính 6,4 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách 6,28 nghìn tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính 137,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2022, đã vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng. Đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ước cả năm 2022 đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng).
Thu NSNN vượt dự toán nhưng tiến độ chi đầu tư phát triển vẫn rất chậm. Cụ thể, lũy kế 11 tháng, chi đầu tư phát triển đạt 338,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên? Sự chậm trễ trong chi đầu tư phát triển sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng và thanh khoản của nền kinh tế? Cần làm gì để đẩy nhanh đầu tư công?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 vẫn còn thấp.
Qua các đợt kiểm tra, tại báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023, một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ ra như:
Về khách quan: Năm 2022 là năm vẫn chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, cùng với đó là các yếu tố biến động đến từ bên ngoài tác động đến nền kinh tế dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế,... tăng cao; huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài bị ảnh hưởng.
Về chủ quan: Một số quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến phải điều chỉnh lại phương án phân bổ.
Hiện nay, kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 với số vốn kỷ lục 726.684,344 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/12/2022 giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Như vậy, áp lực giải ngân các dự án trong năm 2023 là rất lớn.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương cần quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Về phía Bộ Tài chính, để thực hiện đơn giản hoá thủ tục đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1-3 ngày làm việc. Đồng thời, Bộ cũng đã quyết liệt chỉ đạo Kho bạc nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.
Sau thành công của năm 2022, Bộ trưởng đánh giá thế nào về khả năng thu NSNN năm 2023?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Từ quý III trở lại đây nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn, khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường; xung đột địa chính trị Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác; các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ.
Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,... chưa thể khắc phục ngay để khôi phục nguồn thu NSNN.
Sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm lại do thiếu đơn hàng mới. Thị trường xuất khẩu giảm sút khi cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia suy giảm... Những vấn đề trên sẽ là những áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023.
Trước những khó khăn trên, ngành Tài chính đề ra một số nhóm giải pháp như:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về dự toán NSNN và các Nghị quyết mới của Quốc hội, Chính phủ.
Hai là, nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Ba là , chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi NSNN; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường (nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...).
Năm là, thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!