Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thu NSNN 4 năm qua đều vượt dự toán, trong đó năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của NSTW. Các chỉ tiêu tổng thu, tỷ lệ huy động vào NSNN và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm.
Theo đó, tổng thu 5 năm 2016-2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4%GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt gần 84% trong tổng thu NSNN.
Về chi ngân sách, Bộ trưởng Dũng cho biết: "Cơ cấu chi NSNN chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó , tỷ trọng dự toán chi cho đầu tư phát triển đều tăng dần, dự toán năm 2017 là 25,7%, đến 2020 là 26,9% và thực hiện 5 năm 2016-2020 ước đạt 27-28% tổng chi NSNN trong khi mục tiêu đề ra là 25-26%".
Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2017 là 64,4% thì đến năm 2020 dự kiến là 60,5% nếu được QH thông qua. Mục tiêu của kế hoạch là 64%, trong khi vẫn bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác,...
Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước trong 5 năm ước đạt thực tế là 2.150.000 tỷ đồng, bao gồm cả tăng thu của ngân sách nhà nước, vượt kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng dự án chi thường xuyên giảm dần. Dự toán 2017 là 64,4% thì 2020 là 60,5% nếu được QH đề ra nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Về bội chi NSNN đã được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối. Năm 2020 dự toán là 3,44% GDP. Như vậy, bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 3,6-3,7% GDP, vượt mục tiêu đề ra cả giai đoạn là 3,9% và năm 2020 dự kiến là dưới 3,5% GDP.
"Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu như giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%/năm, thì giai đoạn năm 2016-2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 9,7%/năm", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành tài chính thừa nhận công tác NSNN cũng còn gặp nhiều khó khăn như nhiều đại biểu đã chỉ ra.
Thứ nhất, tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần. Năm 2019-2020 chưa đạt mục tiêu là 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn đạt mục tiêu là 21% GDP. Nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp từ thu xuất nhập khẩu và dầu thô giảm rất nhanh.
"Trong khi triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn, trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách thu để thu tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng để bù đắp khoản thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cùng với đó, thu nội địa của một số địa phương trọng điểm có điều tiết về NSTW tăng rất chậm, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Bình Dương. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cân đối thu của NSTW gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm ở mức cao nhất. Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để xây dựng, hoàn chỉnh chính sách thu, các quy định phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW.
Thứ hai, có ý kiến cho rằng thu thu NSNN chưa thực sự bền vững, thu NSNN vượt dự toán trong khi thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.Thừa nhận vấn đề này, Tư lệnh ngành Tài chính cho rằng nó bắt nguồn từ khâu chủ quan trong giao dự toán, chưa đánh giá hết những tác động với những ngành nghề trong năm vừa qua. Báo cáo với quốc hội năm 2018 và được từng bước điều chỉnh để sát hơn so với thực tế.
"Tuy nhiên, xét về mặt bền vững, chúng tôi cho rằng thu ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là cốt lõi. Thu từ 3 khu vực kinh tế đạt 45% ngân sách nhà nước, cao hơn so với vài năm trước đó", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thứ ba, về điều chỉnh chính sách thuế. Bộ Tài chính rà soát đánh giá, xây dựng dự án luật sửa đổi bổ sung các luật về thuế. Dự án luật đưa ra nội dung nhằm giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực thuế. Sẽ báo cáo chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.
Thứ tư, về chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế. 10 tháng đầu năm 2019, ngành tài chính đã thực hiện trên 73.900 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 48.300 tỷ đồng, thu nộp 14.800 tỷ đồng. Cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Nợ thuế có khả năng thu chiếm 52,3%.
Thứ năm, về chuyển tỉnh lộ thành quốc lộ của Bộ Giao thông Vận tải. 2013-2016, Bộ GTVT ban hành 67 quyết định ở 42 tỉnh, chuyển 4.821,6km đường bộ tỉnh lộ thành quốc lộ. Bộ GTVT ko thực hiện điều chuyển tài sản theo nghị đinh số 10/2013 của chính phủ.
Ngày 23/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2019, do chưa rõ tiêu chí, thẩm quyền điều chỉnh tỉnh lộ thành quốc lộ, sau khi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã có văn bản số 11103 ngày 20/9/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản số 9623 ngày 23/10/2019, Bộ Tài chính đã ban hành 42 quyết định điều chuyển tài sản từ tỉnh lộ thành quốc lộ từ các địa phương về Bộ Giao thông vận tải quản lý. Như vậy, trong thời gian rất ngắn, 1 tuần chúng tôi đã làm xong thủ tục", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.