Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có giải trình một số vấn đề liên quan đến ngân sách trong phiên họp Quốc hội chiều nay (29/10).
Theo ông, chỉ tiêu nợ nước ngoài đã sát ngưỡng cho phép 50% GDP. Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia bao gồm: nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi cho các chương trình và dự án, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và của tổ chức tín dụng.
Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% vào cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP của giai đoạn 2016-2018.
Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, Bộ trưởng cho biết đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Nhờ vậy, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018.
Trong đó, bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.
Việc giải ngân lại tăng lên 2.000 tỷ được Bộ trưởng giải thích của các khoản bảo lãnh trước năm 2018, "chúng ta tiếp tục giải ngân năm 2018 cơ bản chúng ta không cấp bảo lãnh mới", ông nói.
Riêng đối với nợ nước ngoài, tự vay, tự trả của doanh nghiệp, ông cho biết hiện chiếm khoảng 50% tổng nợ nước ngoài của quốc gia. Khoản nợ này đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, theo Bộ trưởng Dũng.
Tính riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, trong đó có khoản vay của công ty Việt Nam Beverage trị giá 4,8 tỷ đô la để mua cổ phần của Sabeco.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Đồng thời, các chính sách điều hành phải thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhằm quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép.
"Phải hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.