Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp TTCK và thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững. Với nỗ lực đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện qua nhiều phiên mua ròng gần đây.
"Các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu của Việt Nam là những người lão luyện. Họ có phân tích chính xác, và ít nhất là tốt hơn rất nhiều so với nhiều nhà đầu tư Việt Nam. Họ có chiến lược và đầu tư một cách bài bản, lựa chọn cổ phiếu, trái phiếu hay bất kỳ giấy tờ có giá nào đều phân tích và tính toán một cách đầy đủ" - ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica nhận định.
Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản Tsuyoshi Imai đánh giá, quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm đã làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế. Theo ông, đây là hành động cần thiết để thị trường Việt Nam bước lên những nấc thang mới, và về dài hạn đây là các hành động rất tích cực.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, với P/E hấp dẫn, nhìn vào giá trị doanh nghiệp, cơ hội tăng trưởng 6-7%, rủi ro tương đối thấp, thì gọi vốn từ nước ngoài vào Việt Nam không khó.
Theo Giám đốc Economica, việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mua cho thấy họ vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đặt niềm tin vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp tốt. Như vậy rõ ràng trên thị trường còn rất nhiều cổ phiếu tốt.
Song, áp lực bán không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có tính đầu cơ mà đã lan sang cả các cổ phiếu vốn hoá vừa và lớn. Sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp, VN-Index đã trở về vùng giá dưới 1.400
"Việc bán tháo các cổ phiếu tốt đó trong thời điểm này có thể sẽ là thiệt hại trong tương lai đối với nhà đầu tư, vì đã không phân tích kỹ" - ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Mới đây, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các bên đảm bảo vừa ủng hộ, cũng vừa giám sát kiểm tra tránh vấn đề thao túng thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh. Nhưng những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải ủng hộ hết mức để thị trường chứng khoán phát triển bền vững".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03 tháng 12 năm 2021, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 14 tháng 4 năm 2022.