"Quá trình sơ kết đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương và đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai đã chỉ rõ nguyên nhân từ những bất cập, những điểm nghẽn về chính sách và cả quá trình thực thi".
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu ra tại Hội nghị Tổng kết 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của cơ quan này, ngày 8/1.
Tại hội nghị, người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức, với "nhiều câu hỏi lớn" cần đặt ra đối với toàn ngành, cần tập trung thảo luận để tìm lời giải, trong đó đặc biệt là vấn đề đất đai.
"Ba câu hỏi lớn cũng là ba yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt ra cho ngành hiện nay là: Tại sao hiệu quả sử dụng đất của chúng ta vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực? Làm thế nào để giải quyết có hiệu quả tình trạng lãng phí đất đai, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội? Giải pháp nào để giải quyết tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là khiếu kiện đông người?" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Hà, pháp luật về đất đai cần làm rõ nội hàm về quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước; hoàn thiện công cụ quy hoạch để phân bổ hợp lý tài nguyên đất đai phù hợp với tiềm năng thế mạnh, tạo không gian liên kết kinh tế, tương hỗ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.
Phải công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đảm bảo tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có năng lực để sử dụng hiệu quả gắn với giải quyết hợp lý việc làm, nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội…
Cùng với đó là hoàn thiện, đổi mới toàn diện chính sách về kinh tế, tài chính đất đai theo các nguyên tắc thị trường…, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất để các quan hệ đất đai vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai;
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động, điều tiết nguồn lực từ đất đai cũng như điều kiện, chế tài để đảm bảo thực hiện trọng thực tiễn; khắc phục tình trạng nhà nước bỏ rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng nhưng không thu được gì từ giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng mang lại;
"Chúng ta cũng phải hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn", Bộ trưởng Hà nói.
Đối với tranh chấp, khiếu kiện đất đai phải giải quyết hài hòa lợi ích các bên nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tính toán một cách căn cơ lợi ích của người dân. Phải giải quyết từ gốc, đó là trả đủ thu nhập, giải quyết tốt vấn đề an sinh, người có đất bị thu hồi có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất. Cầ có cơ chế để giải quyết nhằm chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài…
Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, về lĩnh vực đất đai, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung sửa đổi, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai, tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.
Trong đó phải tạo chuyển biến về quản lý đất đai từ quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, sử dụng…Tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao.
Phó thủ tướng yêu cầu tập trung nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng Chính phủ điện tử; Tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh….