Thứ nhất là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử. Thứ hai, là về công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, hệ thống dịch vụ truyền thông. Thứ ba là việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Thứ tư là giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trả lời chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết bên cạnh những tiện ích, tác hại của mạng xã hội là không nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển.
“Nhiều người nói mạng xã hội như vậy thì có nên sử dụng hay không”, Bộ trưởng đặt vấn đề và nhận định cần phải xem mạng xã hội là một công cụ, là một con đường mà trên đó có người bình thường và kẻ cướp. Vấn đề ở đây là ý thức của những người đi trên con đường đó.
“Báo Tuổi trẻ một năm trước có bài viết 'Trên mạng xã hội người ta không coi nhau là con người', tôi thấy hơi nặng nề nhưng nó cũng có lý do”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, 70% người dân Việt Nam đang sử dụng Internet, 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với "năng lượng đen, xấu" đã làm ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội như ném đá, bôi nhọ, xúc phạm… tạo vấn đề nhức nhối.
Thậm chí từ 2014 tới nay có 5-6 trường hợp tự tử vì việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội, vì tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội. Người ta tung ra những lời nói bôi nhọ mà bất chấp nạn nhân là ai.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lượng tốt, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.
Các mạng xã hội nước ngoài có mặt ở Việt Nam thì cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài và tác động gỡ bỏ những nội dung xấu độc, xâm phạm lợi ích quốc gia và các cá nhân”, Bộ trưởng cho biết.