2,5 ngày kết nối hơn 300 trung tâm y tế tuyến huyện qua nền tảng Telehealth
Trong bối cảnh diễn biến làn sóng Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao ở các địa phương, việc đưa bệnh nhân lên tuyến Trung ương điều trị như những đợt dịch cũ là điều vô cùng khó khăn. Hiện nay, các ca F0 đều đang được điều trị tại các Trung tâm y tế tuyến huyện, và việc tư vấn chữa trị từ xa qua cầu truyền hình từ Trung ương tới các huyện là vô cùng quan trọng, nhiều khi là quyết định thành công.
Trước bối cảnh đó, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth được phát triển bởi Viettel đã được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu "vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn".
Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Thủ tướng cũng như của Bộ Y tế và Bộ TTTT, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.
Tại buổi công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra kết nối giữa các Trung tâm y tế huyện trên nhiều vùng miền của cả nước với nền tảng Telehealth, từ các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 như Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương; các tỉnh Tây Nguyên như Đắc Lắc, Lâm Đồng cho đến các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn....
Quang cảnh buổi công bố. Nguồn: MIC
Phát biểu tại buổi ra mắt, Bộ trưởng Bộ TTTT chia sẻ: "Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu Trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn trên 300 huyện, tức là khoảng 45%, nhưng đa phần là các huyện khó khăn. Thủ tướng hỏi, có thể làm nhanh được không, tôi xin phép trả lời sau khi tham vấn Cục Viễn thông và các doanh nghiệp."
"Tình huống là rất khẩn cấp, cần phải làm rất nhanh. Tôi cũng không ngờ là Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm trong 2 ngày, nhưng thực tế là 2,5 ngày thì xong, tức là ngày thứ Sáu (6/8/2021), thì 100% các Trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương. Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này." - Bộ trưởng nói.
"Kết nối truyền hình để thực hiện Teleheath tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của Ngành Y tế. Nhưng mơ ước ấy lại được thực hiện trong 2,5 ngày. Nó được thực hiện là vì có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Nó được thực hiện là vì trong bối cảnh khẩn cấp, không ai còn lo cho bản thân mình. Nó được thực hiện vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp Nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với Nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận." – Người đứng đầu Bộ TTTT nhấn mạnh.
Việc kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với nền tảng Telehealth có ý nghĩa rất lớn với công tác điều trị, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các Trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi nhất đến từ các bệnh viện tuyến Trung ương, các Trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có đủ năng lực, đủ tự tin, tận dụng "giờ vàng" để cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tối đa tử vong.
"5K + vaccine + thuốc + công nghệ + những biện pháp khác"
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, công tác phòng chống dịch lần này là chưa có tiền lệ với chủng Delta lây lan rất nhanh, rất mạnh, diễn biến dịch bệnh khó lường, nguy hiểm. "Vạn sự khởi đầu nan", chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, bổ sung, mở rộng dần, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc để khắc phục, xử lý.
Thủ tướng nhận định, về lâu dài, nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth cũng là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác nhau nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ Nhân dân.
Nguồn: MIC
Thủ tướng chỉ đạo: "Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện quy trình phòng chống Covid; nếu như trước đây là 5K, rồi đến 5K + vaccine, tiến tới sẽ là '5K + vaccine + thuốc + Công nghệ + những biện pháp khác'".
Thủ tướng cũng nhắc tới các biện pháp khác như kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y, áp dụng biện pháp tâm lý học, xã hội học để người bệnh yên tâm, cộng tác trong điều trị…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hơn về năng lực đội ngũ y tế tuyến huyện cũng như tuyến cơ sở để có thể tạo độ bao phủ an toàn lớn hơn cho người bệnh. Thiết lập các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực tại tuyến huyện để người bệnh không phải chuyển đi xa, nhiều người bệnh được cứu sống hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh lây lan nhanh không phân biệt ranh giới địa lý. Do đó, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch.
Bên cạnh đó, Ngành TTTT và Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm tối đa tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
"Ngành TTTT sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ mới mà Thủ tướng giao, càng khó bao nhiêu, càng nặng bao nhiêu, càng thách thức bao nhiêu thì sẽ càng tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực công nghệ số bấy nhiêu. Bởi vì, công nghệ số phát triển được là do người đặt ra bài toán, nhiều hơn là bởi người giải bài toán. Công nghệ số Việt Nam phát triển thì đất nước này cũng sẽ phát triển nhanh và bền vững", Bộ trưởng Bộ TTTT cam kết.