Nếu đứng trên giác độ năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành du lịch, các chỉ số của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dẫn chứng: "Chỉ số về hạ tầng du lịch Việt Nam đứng thứ 113/136 trong khi đó Thái Lan đứng thứ 16. Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, chúng ta đứng thứ 101, Thái Lan hạng 34.
Mức độ mở cửa quốc tế, chúng ta đứng thứ 73 trong khi Thái Lan hạng 52. Thị thực ta đứng thứ 116, Thái Lan hạng 21 và Philippines hạng 24. Về thị thực, chúng ta đứng thấp nhất trong các nước ASEAN, ta chỉ mở cửa miễn thị thực đơn phương cho 24 nước và cấp thị thực điện tử 80 nước. Indonesia họ miễn cho 158, Philippines miễn 157".
Đó chính là lý do tại sao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam thấp. Giải pháp là cần phải khắc phục những hạn chế liên quan đến điểm yếu của du lịch Việt Nam như về cơ sở hạ tầng, mở cửa thị thực, bền vững môi trường và những hạn chế kể trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng về vấn đề "Du lịch tăng chậm lại, lý do tại sao?", Bộ trưởng cho biết, du lịch trong giai đoạn vừa qua tăng trưởng rất nhanh, lên đến 30% một năm, nhưng 5 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 9%. Nhưng sự giảm tốc này cũng đã được dự báo trước, nên kế hoạch đưa ra năm 2019 là Việt Nam chỉ tăng 2,5 triệu lượt khách quốc tế.
Xét theo tốc độ tăng trưởng này, ta có thể đạt được nhiệm vụ Chính phủ giao là đạt 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, du lịch không còn tăng mạnh như các năm trước và theo Bộ trưởng một trong những nguyên nhân là lượng khách Trung Quốc giảm và trong 5 tháng đầu năm gần như không tăng.
Cụ thể, Bộ trưởng phân tích: "Những năm trước lượng khách Trung Quốc tăng khoảng 30% nhưng năm nay giảm. Vì thế cần phải đẩy mạnh các giải pháp như quảng bá, xúc tiến tại những thị trường quan trọng như thị trường Trung Quốc, bởi nếu như thị trường Trung Quốc không tăng thì du lịch Việt Nam rất khó! Trên thế giới, tất cả các nước đều rất mong muốn thu hút khách từ Trung Quốc".
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, về việc "ngành du lịch chưa đạt 10% GDP, giải pháp là gì?", Bộ trưởng thừa nhận ngành du lịch Việt Nam hiện nay chỉ đạt khoảng 9% GDP. Theo nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ đón từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 10% GDP thì mới cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Còn nếu để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đến năm 2030. Giải pháp thì có rất nhiều như khắc phục hạn chế du lịch Việt Nam về năng lực cạnh tranh, liên quan đến công tác quảng bá xúc tiến, hạ tầng, đào tạo nhân lực, công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Để phát triển bền vững ngành du lịch, tức là phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và di sản văn hóa, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển của tất cả các nước trên thế giới. Câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Văn Quyền đặt ra là một câu hỏi hết sức đáng lưu ý.
Bộ trưởng trích dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tất cả mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được. Nên không thể hi sinh di sản để phát triển vì bất cứ giá nào!".