Tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ TT&TT đã được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, với thời hạn trình Đề án là tháng 11/2019.
Thời gian qua, Cục Tin học hóa đã tích cực triển khai xây dựng và hiện đã hoàn thành dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia phiên bản 1.0. Khi được ban hành, Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ là cơ sở, định hướng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số của từng lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế và hiện trạng Việt Nam, Bộ TT&TT nhận định, để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, bắt buộc chúng ta phải có những nỗ lực, quyết tâm mới, phải bứt phá để thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường.
“Một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất là chúng ta phải chuyển đổi số mạnh mẽ, đi đầu khu vực trong cuộc CMCN 4.0.Theo báo cáo nghiên cứu của Csiro và Data 61 về kịch bản chuyển đổi số của Việt Nam, nếu Việt Nam không chủ động, chuẩn bị và đầu tư thấp trong lĩnh vực chuyển đổi số thì Việt Nam sẽ rơi vào kịch bản lạc hậu, trong đó, nền kinh tế chuyển đổi số chậm và năng suất lao động trì trệ”, Bộ TT&TT cho hay.
Một lần nữa khẳng định quan điểm chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới là tất yếu nếu chúng ta muốn có những bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, không bị bỏ lại trong cuộc CMCN 4.0, Bộ TT&TT cho rằng, để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt phải khắc phục ngay được những hạn chế hiện nay.
"Chuyển đổi số trên quy mô quốc gia là công việc của nhiều cấp, nhiều ngành, và của toàn xã hội, nên cần có một Đề án chung để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ rộng khắp, hiệu quả. Chính vì vậy, Đề án Chuyển đổi số quốc gia được xây dựng nhằm xác định tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong xã hội xác định và triển khai kế hoạch chuyển đổi số cụ thể của mình trên con tầu CMCN 4.0 Việt Nam", Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Theo dự thảo Đề án, Bộ TT&TT đề xuất tầm nhìn đến năm 2030 của Đề án Chuyển đổi số quốc gia là thực hiện chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số (Digital Vietnam). Trong đó, tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội đất nước ổn định, thịnh vượng và bền vững. Mục tiêu chung đến năm 2025 của Đề án Chuyển đổi số quốc gia, theo đề xuất của Bộ TT&TT, là Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia.
Bên cạnh đó, tại dự thảo Đề án, cùng với việc nêu rõ quan điểm chỉ đạo, các giai đoạn chuyển đổi số Việt Nam, Bộ TT&TT cũng đề xuất các mục tiêu cụ thể và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, cơ quan nhà nước, phát triển lực lượng lao động số và hạ tầng số tại Việt Nam trong chặng đường sắp tới.
Thời hạn lấy ý kiến cho dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ kéo dài đến ngày 10/6/2019. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng đông đảo người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT tại địa chỉ mic.gov.vn để xem toàn bộ hồ sơ Đề án và tham gia góp ý.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị cho ý kiến góp ý chi tiết đối với dự thảo Đề án để có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao.