Theo Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh.
Những nội dung phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động bạo lực, gây chia rẽ, bôi nhọ chế độ… là những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam và Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm.
Bộ TT&TT đã tích cực làm việc với Facebook và Google, qua đó, Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.
Đối với Google, doanh nghiệp này cũng cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin; nghiên cứu giải pháp xây dựng và công bố các kênh có nội dung tốt và các kênh có nội dung xấu, độc trên YouTube.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT khẳng định quan điểm sẽ tiếp tục xử lý nội dung thông tin vi phạm trên Facebook và YouTube.
Trước đó tại thời điểm đầu năm 2018, có hơn 670 tài khoản Facebook giả mạo, những thông tin tuyên truyền xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Việt Nam được Facebook gỡ bỏ.
Đối với Google, nhiều video clip xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam cũng bị Google chặn, hạ trên YouTube theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, các địa phương đã đẩy mạnh xử lý. Như tại Hà Nội, theo thông tin đưa ra ngày 9/7, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT cho hay qua 6 tháng đầu năm Sở đã xử lý nghiêm các thông tin sai lệnh trên mạng. Sở phối hợp với Cục PT-TH & TTĐT (Bộ TT&TT) xử lý 23 tài khoản Facebook, hàng trăm video clip có dấu hiệu vi phạm.